.

Ngành ngân hàng thành phố: Gỡ khó cho doanh nghiệp

.

Do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố phải đối mặt với những thách thức lớn như thị trường bị thu hẹp, sức tiêu thụ sản phẩm giảm, hàng tồn kho tăng, dẫn đến không ít DN phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng, thậm chí bị phá sản... Cùng đó, thị trường tiền tệ, vàng, ngoại tệ có những diễn biến khó lường tác động không nhỏ đến sự phát triển sản xuất, kinh doanh của DN...

Các doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn, hạ lãi suất... từ ngân hàng.
Các doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn, hạ lãi suất... từ ngân hàng.

Đứng trước những khó khăn đó của DN, được sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ngành Ngân hàng (NH) thành phố đã chủ động cùng với các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn từng bước tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương chuyển biến tích cực. Kết quả này thể hiện rõ nhất ở việc lạm phát đã được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, thanh khoản được cải thiện. Trên thị trường tiền tệ, các NHTM đã liên tục thực hiện chủ trương của NHNN hạ lãi suất cho vay và huy động.

Trong vai trò tiếp vốn cho nền kinh tế, các chi nhánh NHTM trên địa bàn đã làm tốt công tác huy động vốn để cung ứng vốn vay cho các DN. Đến cuối năm 2012, ước tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) khoảng 49.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2011. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn được đánh giá phù hợp với định hướng điều hành của NHNN và tình hình phát triển kinh tế địa phương. Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đến cuối năm 2012 ước đạt hơn 50.000 tỷ đồng, tăng tương đương với mức tăng bình quân chung của cả nước. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch mạnh sang khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Các TCTD đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), khu vực “tam nông”...

Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho biết: Để chia sẻ khó khăn với DN, NHNN Đà Nẵng đã tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại với các DN trên địa bàn để tìm cách giải quyết khó khăn về vốn. Đồng thời NHNN Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo và giám sát các TCTD thực hiện nghiêm việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống dưới 15%... Kết quả cho thấy lãi suất cho vay đã giảm mạnh; vốn đầu tư được tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ...

Thực tế cho thấy, các giải pháp mà NHNN triển khai đã phát huy được tác dụng trong toàn xã hội. Các TCTD tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ vốn cho DN, đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay và xử lý kịp thời những bức xúc của DN... Cùng đó, các NHTM chủ động rà soát, đánh giá khả năng trả nợ để tháo gỡ và cơ cấu thời hạn trả nợ cho phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh khách hàng; sau ngày 15-7-2012, 100% khách hàng DN đã được các ngân hàng hạ lãi suất các khoản vay cũ về mức 15%/năm; miễn, giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của NHNN...

Ông Nguyễn Duy Khoa, Giám đốc khu vực Vùng Trung bộ - Tây Nguyên Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết: Cùng với các NHTM khác, Techcombank đã có nhiều chương trình, giải pháp cụ thể để khơi thông nguồn vốn tín dụng, đưa vốn tín dụng ngân hàng tới các lĩnh vực được ưu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng của nền kinh tế. Lãi suất ưu đãi của NH đối với khách hàng ưu tiên hiện chỉ từ 11-13%/năm, thậm chí cho vay xuất khẩu dưới 11%/năm...

Cùng với đó, chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ cũng được triển khai đến các đối tượng hưởng lợi tại khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Công ty CP SQ Việt Nam cho biết: Việc hỗ trợ để cùng nhau phát triển không chỉ là trách nhiệm của riêng NH mà DN cũng cần phải có trách nhiệm. NH và DN cần xích lại gần hơn, tạo nên các mối quan hệ đồng thuận, tương trợ lẫn nhau.

Các DN cũng cho rằng, trong năm 2012 chính sách lãi suất bước đầu đã phát huy hiệu quả hỗ trợ DN, song cần có sự ổn định để giúp DN thuận lợi trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh. Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngành NH đã chia sẻ khó khăn với DN thông qua việc giảm lãi suất, miễn, giảm lãi vốn vay... Mặc dù chưa đáp ứng được tất cả những yêu cầu từ phía DN, song các NH đã rất tích cực cơ cấu giãn nợ, khoanh nợ cũng như chấp nhận giảm lãi để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất thấp cho DN.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.