.

Phạt nặng khi mua bán vàng miếng không đúng địa chỉ

.

(ĐNĐT)- Bắt đầu từ ngày 10-1, hàng loạt cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh vàng không đủ điều kiện được cấp phép sẽ không được phép mua bán vàng miếng.

Giao dịch vàng ế ẩm trước giờ “G”

Ghi nhận tại Đà Nẵng, sáng 9-1, trước một ngày các tiệm vàng nhỏ lẻ bị cấm mua, bán vàng miếng, lượng khách đến giao dịch mua, bán vàng tại các cửa hàng vàng rất ít. Theo quan sát tại các tiệm vàng nhỏ hoạt động ở các chợ cũng như các tuyến đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng… đa số các biển hiệu niêm yết giá ở các tiệm vàng đã có sự thay đổi cách ghi. Nếu lúc trước, giá mua, bán vàng miếng SJC thường được chủ tiệm vàng ghi ngay trên dòng đầu tiên của biển hiệu thì giờ đã được thay thế bằng giá vàng 9999, dòng thứ hai ghi giá vàng trang sức...

f
Đa số các biển hiệu niêm yết giá ở các tiệm vàng đã có sự thay đổi cách ghi, nhiều tiệm vàng đã không còn ghi giá vàng miếng SJC

Ông Lưu Tâm, chủ tiệm vàng Hoa Kim Bảo ở chợ Hòa Khánh cho biết, dù chưa đến ngày bị cấm kinh doanh vàng miếng nhưng từ nhiều tháng nay, đa số các cửa hàng buôn bán vàng ở chợ đã không giao dịch mua, bán vàng miếng nữa. Hoạt động kinh doanh vàng miếng mấy tháng nay ế ẩm nên các cửa hàng ở đây đều xóa bỏ giá vàng miếng trên biển hiệu. "Nếu có khách quen hỏi mua vàng miếng SJC thì chúng tôi sẽ gọi điện hỏi giá Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng rồi bảo khách chờ sẽ có người mang vàng giao cho khách. Do không đủ điều kiện được cấp phép kinh doanh vàng miếng, nên từ bây giờ, cửa hàng của tôi chỉ tập trung vào việc gia công và kinh doanh vàng trang sức”, ông Tâm cho hay.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, vừa cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đợt hai cho bảy đơn vị, gồm năm tổ chức tín dụng và hai doanh nghiệp. Theo đó, sẽ có thêm 41 điểm kinh doanh vàng miếng. Như vậy, tính đến nay, cả nước đã có 38 đơn vị với 2.497 điểm kinh doanh vàng miếng đã được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Tuy nhiên, NHNN cho biết sẽ tiếp tục cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng nếu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện và hồ sơ đăng ký hợp lệ.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, trên quầy kệ của tiệm vàng ông Tâm cũng như nhiều tiệm vàng nhỏ lẻ khác trên địa bàn thành phố, các khay trước đây đựng vàng miếng thì hiện đã dùng chứa vàng nhẫn và vàng trang sức. Tại một tiệm vàng có quy mô khá lớn nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu), khi chúng tôi hỏi mua khoảng chục lượng vàng miếng SJC thì chủ cửa hàng này nói phải đợi chừng 30 phút mới có hàng. Phải đợi lâu như thế bởi “năm 2012, thị trường vàng diễn biến phức tạp nên giao dịch vàng miếng khá chậm. Vì vậy, cửa hàng đâu dám tích trữ vàng miếng. Hơn nữa, chỉ còn đúng 1 ngày là các tiệm vàng không đủ điệu kiện sẽ không được phép mua bán loại vàng này. Nếu các chú có mua thì chúng tôi sẽ liên hệ với đối tác lấy hàng”, bà chủ tiệm vàng này nói.

Đà Nẵng sẽ có 80 điểm được phép kinh doanh vàng miếng

Đề cập đến việc không được kinh doanh vàng miếng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tiệm vàng như thế nào, đa số các tiệm vàng nhỏ lẻ đều cho rằng, sẽ không ảnh hưởng nhiều bởi hoạt động buôn bán của họ chủ yếu là vàng trang sức. Tuy nhiên, các cửa hàng có quy mô tương đối lớn lại cho rằng, nếu không được cấp phép kinh doanh vàng miếng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cửa hàng. “Hàng chục năm nay, cửa hàng của tôi kinh doanh vàng miếng là chính, nhưng bây giờ nếu không đủ điều kiện để cấp phép, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn bởi kinh doanh vàng trang sức không phải là “sở trường” của cửa hàng. Có thời điểm vàng “sốt” giá, hàng ngày cửa hàng giao dịch mua bán cũng được vài chục lượng vàng miếng, chí ít cũng kiếm được vài chục nghìn/lượng. Còn bây giờ không được kinh doanh vàng miếng, không biết sẽ ra sao nữa”, chủ một tiệm vàng trên đường Hùng Vương cho hay.

Cũng theo chủ tiệm vàng này, việc không được cấp phép kinh doanh vàng miếng không những ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều tiệm vàng, mà ngay cả người dân sẽ không có nhiều lựa chọn trong việc mua bán vàng, thậm chí rất dễ rơi vào tình trạng mua bán bất hợp pháp, vì người dân khó có thể phân biệt được cửa hàng nào được cấp phép kinh doanh vàng miếng.

Kinh doanh, mua bán vàng không đúng với quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng. (Ảnh minh họa)
Kinh doanh, mua bán vàng miếng không đúng với quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, nếu trước 10-1, cả nước có trên 8.000 cửa hàng kinh doanh mua bán vàng thì bắt đầu từ ngày 10-1, theo Nghị định 24/2012 về điều kiện kinh doanh vàng, sẽ chỉ còn gần 2.500 điểm được phép mua bán vàng miếng. Cũng theo NHNN Việt Nam, hiện cơ quan này đã bàn giao cho các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành thống kê các điểm mua bán vàng miếng trên địa bàn của mình để quản lý sau ngày 10-1.

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, sau ngày 10-1, việc quản lý kinh doanh vàng miếng sẽ được triển khai tương tự như ngoại tệ. Các cửa hàng không được cấp phép kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn cố tình mua bán sẽ bị xử lý theo Nghị định 95. Theo đó, việc kinh doanh, mua bán vàng miếng không đúng với quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng. Cũng theo ông Minh, hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có gần 200 điểm buôn bán vàng. Thế nhưng, bắt đầu 10-1, Đà Nẵng sẽ chỉ còn 80 điểm được phép kinh doanh vàng miếng. 

Còn theo NHNN Việt Nam, việc 70% điểm được phép giao dịch vàng miếng trước đây sẽ bị xóa sổ vào ngày 10-1, chắc chắn sẽ thay đổi rất lớn thị trường vàng miếng nên không thể tránh khỏi nhiều sự cố phát sinh. Thị trường sẽ có nhiều xáo trộn trong những ngày đầu. Vì vậy, NHNN cũng gửi văn bản cho các tỉnh, thành phố yêu cầu phối hợp đề phòng các sự cố phát sinh.

Bài và ảnh: Trọng Hùng     

;
.
.
.
.
.