.

Khó đưa giá vàng về sát giá thế giới

.

(ĐNĐT) - Những tưởng việc siết chặt kinh doanh vàng miếng sẽ giúp thị trường ổn định; đồng thời, kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới. Tuy nhiên, hiện giá vàng trong nước vẫn chênh với giá thế giới ở mức khá cao. Phải chăng vàng trong nước đang bị làm giá?

Tăng giảm bất thường

Nhìn vào biểu đồ đường đi của giá vàng trong những phiên giao dịch sau Tết âm lịch (AL) cho thấy, giá vàng trong nước đã tăng mạnh bất chấp việc giá vàng thế giới giảm điểm. Theo đó, mức vênh giá vàng giữa thị trường trong nước và thế giới bị kéo rộng ra, có thời điểm lên gần 5,4 triệu đồng/lượng, trong khi mức chênh này trong tháng trước Tết khoảng 3,4 - 3,7 triệu đồng/lượng. Trong tháng 1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố sẽ kéo giá vàng trong nước sát với thế giới. Vậy nguyên nhân nào khiến giá vàng trong nước tăng đột biến?

s
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, tài chính, trong năm 2013, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ giảm, bởi vàng không còn là nơi trú ẩn an toàn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lý, chuyên gia vàng tại Đà Nẵng phân tích: Thông thường những ngày giáp Tết AL và tháng Giêng sau Tết thì nhu cầu mua vàng thường cao hơn các tháng bình thường. Năm nay cũng vậy, tuy lực mua không mạnh như mọi năm, nhưng cũng có khá nhiều người mua vàng, nhất là các ngày vía Thần Tài (mồng 9, mồng 10 tháng Giêng). Nhưng giá vàng lại biến động thất thường, giá vàng sau Tết hạ nhiều so với giá trước ngày nghỉ Tết. Từ sau Tết AL, chênh lệch giá vàng nội và ngoại luôn ở mức cao. Nếu so với thời điểm trước khi đóng cửa nghỉ Tết AL, vàng trong nước hiện rẻ hơn 750.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, vàng quốc tế đã giảm hơn 86 USD/ounce, tương đương 2,2 triệu đồng mỗi lượng nếu quy ra tiền Việt. Giá vàng thế giới giảm thì giá trong nước cũng giảm theo nhưng giảm chậm và giảm ít hơn. Ngoài ra, có thể nhiều doanh nghiệp lỡ “ôm” một lượng vàng lớn từ trước Tết, nên sau kỳ nghỉ dài, nếu doanh nghiệp hạ giá theo giá thế giới thì doanh nghiệp lỗ là điều chắc. Vì vậy, khi lực mua trong nước còn duy trì sau Tết thì DN chưa thể hạ giá theo thế giới.

Ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh NHNN thành phố Đà Nẵng: Trong năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện xóa bỏ tình trạng vàng hóa nền kinh tế và quản lý chặt thị trường này để hạn chế đầu cơ, làm giá. Dự kiến, giá vàng trong nước sẽ được kéo sát với giá vàng thế giới. Song song với động thái quản lý thị trường vàng của NHNN, nếu nền kinh tế ổn định và sáng sủa hơn, người dân sẽ chuyển tài sản cất giữ sang những danh mục đầu tư kiếm lợi nhuận cao và ngược lại.

Vàng cao hơn thế giới do đâu?

Lý giải về việc giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới, ông Lý cho rằng, trong suốt cả năm 2012 và các tháng đầu năm 2013, NHNN vẫn chưa cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Kể cả việc cho xuất khẩu vàng miếng “phi SJC” đổi lấy vàng nguyên liệu thế giới về dập ra vàng miếng SJC cũng chưa được thực hiện, dẫn đến nguồn cung bị thiếu nhiều. Bên cạnh đó, việc NHNN tuyên bố công nhận vàng SJC là vàng thương hiệu Quốc gia, nên mọi người đều muốn mua vàng miếng SJC làm của để dành, giá có đắt hơn nhiều so các loại vàng miếng thương hiệu khác, người ta vẫn mua; điều này dễ dẫn đến độc quyền về giá. Và để có nguồn vàng miếng SJC bán ra, các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng phải tăng giá mua đầu vào; mua vào cao nên giá vàng bán ra tăng cao là điều khó tránh khỏi. 

NHNN yêu cầu các NHTM chấm dứt huy động vàng, nhưng trước đây các NHTM đã huy động và đã cho vay vàng với số lượng lớn, các hợp đồng cho vay vàng đến nay chưa đến thời hạn trả. Vì thế, các NHTM phải mua vàng vào để trả cho người gửi, số lượng cần mua này không ít; việc này dẫn đến tăng lực cầu. Khi cung không có hoặc chỉ trông chờ vào người có vàng đem bán, mà cầu thì vẫn hiện hữu thì dẫn đến mất cân đối cung cầu và do vậy giá vàng miếng SJC luôn cao hơn nhiều so với giá thế giới là điều không tránh khỏi.

Còn theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Do NHNN không chấp nhận việc liên thông giá vàng với thế giới và không chấp nhận một cơ chế thị trường đối với giá vàng. Thứ hai, nguyên nhân có tính chất ngắn hạn là do tâm lý liên quan đến tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt nên người ta đổ xô tìm đến vàng, ngoại tệ. Nếu yếu tố tâm lý này giảm đi thì vẫn còn yếu tố thứ nhất tác động. Bên cạnh đó, mức chênh lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới mang lại nguồn lợi rất lớn. Nguồn lợi này sẽ thuộc về những ai nhập lậu vàng vào Việt Nam và những ai được nhập khẩu vàng vào Việt Nam. Đây là điều rất cần phải suy nghĩ để giải thích tại sao lại có sự chênh lệch lớn đến vậy”.

Năm 2013, giá vàng sẽ ra sao?

Nhận định về biến động của giá vàng trong năm 2013, ông Nguyễn Văn Lý cũng như nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, trong năm 2013, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ giảm, bởi vàng không còn là nơi trú ẩn an toàn, không còn sức hấp dẫn như những năm trước đây nữa, kể cả trong nước và trên thế giới.

Do vậy, nếu không có gì biến động lớn, thì giá vàng thế giới trong năm 2013 sẽ giảm dần. Tuy nhiên, cũng có thời điểm biến động lên xuống nhưng giá vàng thế giới sẽ không vượt quá 1.700 USD/ounce. Và giá vàng trong nước sẽ theo giá thế giới giảm theo, nhưng mức giảm giá vàng trong nước sẽ chậm hơn và ít hơn. Cũng theo nhận định của cá nhân ông Lý, việc đưa giá vàng miếng SJC trong nước về sát với giá vàng thế giới e rằng sẽ khó thực hiện tính đến hết quý 3 năm 2013, nếu NHNN không có chính sách gì mới .

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.