(ĐNĐT) - Quyết định giảm lãi suất (LS) huy động ở các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống mức 7,5%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có thể xem là cơ sở vững chắc để LS cho vay sẽ giảm theo. Song thực tế, các doanh nghiệp (DN) lại không mặn mà vay vốn với mức LS như hiện nay.
Giảm nhưng vẫn cao
LS huy động được điều chỉnh giảm xuống mức 7,5%/năm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng đã kéo mặt bằng LS cho vay ở một số ngân hàng (NH) giảm xuống mức 12%/năm đối với nhóm NH quy mô lớn và 14%/năm với nhóm quy mô nhỏ. Tuy LS cho vay đã giảm nhưng đa số DN ở Đà Nẵng lại không hề quan tâm đến chuyện này.
Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNVVN Đà Nẵng cho rằng, LS cho vay hạ vào thời điểm này là quá muộn bởi phần lớn DN đã kiệt quệ do không cầm cự được khi vay LS cao trong khoảng thời gian dài. Ông Thiết cũng nêu ra những khó khăn của các DN hiện nay như: hàng tồn kho lớn, DN không thể trả vốn trước đây cho NH nên dư nợ còn khá cao khiến DN không thể vay vốn thêm được nữa. Trong khi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN chưa có nhiều khởi sắc trong những tháng đầu năm. Riêng về vấn đề vay vốn của DN tại các NH, mức LS trung bình cho vay là 14-15% như hiện nay vẫn là mức LS khá cao, vượt sức chi trả của đại bộ phận DN.
LS cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức quá cao, khiến các DN ngần ngại vay vốn (Ảnh minh họa) |
Cùng quan điểm, ông Lê Viết Tới, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước Sang cho rằng: “Trước thông tin hạ LS, DN lại thờ ơ bởi sự mong mỏi này đã quá lâu rồi. Vốn vay với LS phổ biến hiện nay trên thị trường vẫn đang là 13 - 14% chưa thể gọi là vốn vay giá rẻ được. Hiện NH đã giảm LS nhưng cũng chỉ giảm ở LS cho vay ngắn hạn. Tình hình chung hiện nay của DN đặc biệt là các DN xây dựng, số lượng công việc ít nên nhu cầu vay NH với DN chưa phải là nhiều. DN cần nhất là vốn trung hạn. Chính sách LS khiến DN thấy chưa ổn định nên chưa mạnh dạn vay để sản xuất”.
Khó có thể giảm thêm LS cho vay
Tiếp tục giảm LS cho vay để hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm trước là yêu cầu được Chính phủ đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua. Vì vậy, trước khi quyết định hạ trần LS huy động được NHNN công bố, nhiều NH đã liên tục điều chỉnh giảm LS huy động (cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài). Theo giới phân tích, những diễn biến này mang lại nhiều điểm tích cực. Bởi, một mặt xu hướng này cho thấy thanh khoản chung của hệ thống đã tốt hơn trước rất nhiều. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh việc giảm LS cho vay, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho DN. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần hạ LS mà không có những giải pháp kích cầu tiêu dùng giúp DN giải phóng hàng tồn kho hay nới lỏng các điều kiện vay vốn thì cho dù LS có hạ bao nhiêu đi nữa DN cũng không mấy mặn mà với việc vay vốn vì họ không còn đủ nguồn lực để vay vốn tái đầu tư sản xuất.
“Những tưởng trần LS huy động giảm xuống còn 7,5%/năm sẽ kéo theo LS cho vay giảm, nhưng trên thực tế, công ty vẫn phải vay NH với mức LS 14,5%/năm. Đây là mức LS quá cao ở thời điểm DN còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để DN làm ăn có hiệu quả, đồng thời đóng đủ, đóng đúng tiền lãi hàng tháng cho NH, thiết nghĩ LS cho vay cần phải giảm xuống 10-11%/năm là hợp lý". Ông Nguyễn Trọng Khải - Giám đốc Công ty TNHH Chuyển giao công nghệ K&H |
Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: “Hầu hết các NH trên địa bàn luôn tạo điều kiện nguồn vốn và mở rộng các đối tượng cho vay để DN có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một số DN có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng dự án của DN không mang lại hiệu quả cao trong thời điểm hiện tại nên một số NH cũng rất ngần ngại trong việc cung cấp tài chính”.
Còn theo Giám đốc một NHTMCP trên đường Nguyễn Văn Linh, nếu LS huy động giảm 0,5%/năm thì LS cho vay giảm 0,5%/năm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khó khăn là với LS huy động 7,5%/năm, NH chưa chắc có thể huy động được vốn. Hiện một số NH vẫn đang còn huy động LS ở mức 9 - 10%/năm (cộng hết các hình thức khuyến mãi khác) nên LS cho vay khó có thể giảm về được mức 10%/năm như nhiều DN kỳ vọng.
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Nam Á tại Đà Nẵng (SeABank) cho biết: “LS huy động giảm thì LS cho vay cũng sẽ giảm, nhưng cần có thêm thời gian. Hiện SeABank đang triển khai gói tín dụng trị giá 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất 9,9%/năm dành cho khách hàng là DNVVN và hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, số DN đạt yêu cầu không nhiều. Còn đối với các khoản vay cũ thì LS vay rất khó về được 10%/năm, đặc biệt là những khoản vay quá hạn”.
Thực tế cho thấy, khi nền kinh tế còn ở giai đoạn èo uột, nhiều DN đang tiếp tục có nguy cơ phá sản thì dù LS cho vay giảm hơn nữa, DN cũng không thể vay vốn vì không còn đủ nguồn lực để sản xuất. Rõ ràng trong thời điểm hiện nay, cung và cầu vốn rất khó gặp nhau bởi khách hàng tốt không có nợ xấu lại chưa muốn vay, còn những khách hàng muốn vay lại không đủ điều kiện để tiếp cận vốn.
Bài và ảnh: Trọng Hùng