.

Người dân không nên “ôm” vàng

.

(ĐNĐT) - Trước biến động tăng giảm bất thường của giá vàng trong nước ở những phiên giao dịch gần đây, không ít người dân Đà Nẵng đã chọn vàng là kênh đầu tư. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lý - nguyên Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng đã đưa ra thông điệp: “Người dân không nên mua vàng trong thời điểm này. Nếu có vàng nên bán ra để tránh lỗ”.

PV: Ông khuyên người dân không nên mua vàng, nhưng có vàng nên bán ra. Phải chăng giá vàng sẽ còn hạ trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Lý: Căn cứ vào diễn biến của tình hình kinh tế, tài chính và thị trường vàng của thế giới từ đầu năm 2013 đến nay, cho thấy, xu thế giảm giá vàng của thế giới vào thời điểm này là hiện thực. Đã qua rồi thời kỳ của 12 năm giá vàng tăng phi mã, vượt quá xa so với giá trị của các ngọai tệ mạnh. Các nhà đầu tư vàng, kể cả nhân dân các nước trên thế giới (Nhật Bản chẳng hạn) cũng đang tháo chạy ra khỏi vàng. Hiện nay và trong thời gian tới, giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục hạ thêm. Do vậy, giá vàng trong nước cũng sẽ dần giảm theo (nhưng thường giảm chậm hơn).

Hiện giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 6 triệu đồng/lượng là quá mức tưởng tượng, chắc chắn sẽ phải co giảm lại dần. Và lúc đó, giá vàng trong nước sẽ phải hạ giá xuống để đưa giá vàng trong nước về sát với giá thế giới.

da
Ông Nguyễn Văn Lý khuyên người dân nên bán vàng ở thời điểm này để đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm là hợp lý. Trong ảnh: Khách đến mua, bán vàng tại SJC Đà Nẵng

PV: Việc tổ chức hàng loạt các phiên đấu thầu vàng, với số lượng vàng tung ra thị trường rất lớn. Vậy tại sao mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn quá cao ở thời điểm này?

Ông Nguyễn Văn Lý: Đúng vậy. Tính đến ngày 16-4-2013, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tổ chức tổng cộng 7 phiên đấu thầu vàng miếng. Đã có 183.900 lượng vàng miếng SJC, tương đương 7 tấn vàng được cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, cách điều hành hiện nay của NHNN còn có những bất cập. Điều hành giá vàng giống như kiểu "người lái xe lửa đang lái chạy trật đường ray", hay "người thầy thuốc đang bốc thuốc không đúng bệnh". Bên cạnh đó, NHNN lại có chủ trương không bình ổn giá vàng, thành ra giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới.

PV: Theo ông, khi nào giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới?

Ông Nguyễn Văn Lý: Chắc phải mất khá nhiều thời gian. Có khi phải mất 5 đến 7 tháng nữa, nhưng phải kèm theo điều kiện, NHNN điều chỉnh lại cách làm không trúng của mình trong việc quản lý, điều hành thị trường vàng như hiện nay, thì mới kỳ vọng được đến lúc đó giá vàng trong nước sẽ lùi về sát với giá vàng thế giới. Khi giá vàng đã về sát với giá thế giới, đến lúc đó cần thiết mới nên mua vàng vào. Còn ở thời điểm này, người dân có vàng nên bán ra để lấy tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc gửi nhà băng nhận lãi tiết kiệm thì hay hơn.

PV: Sau mỗi lần đấu thầu vàng, thị trường thường biến động bất thường. Vậy ai sẽ được lợi khi giá vàng lên hoặc xuống sau mỗi phiên đấu thầu vàng

“Nếu cứ làm theo cách quản lý, điều hành thị trường vàng như hiện nay của NHNN thì không những không bình ổn được thị trường vàng, mà còn làm cho thị trường vàng càng rối thêm, không bình ổn được giá vàng mà còn có thể bị sa lầy vào vòng xoáy của các nhóm đại gia, tạo thêm lợi ích cho họ; không khéo lại còn làm tiêu tốn Quỹ dự trữ Quốc gia nữa".

Ông Nguyễn Văn Lý, nguyên Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng

Ông Nguyễn Văn Lý: Đến ngày 16-4, NHNN đã tổ chức tổng cộng 7 phiên đấu thầu vàng miếng thì có 6 phiên được tổ chức với mức giá trúng thầu thường ngang bằng hoặc thấp hơn một ít (khoảng 100.000 đồng/lượng) so với giá bán vàng miếng SJC tại thời điểm đấu thầu.

Riêng trong phiên thứ 7, tổ chức vào sáng 16-4, các đơn vị trúng thầu vàng có thể đã “thắng đậm” khi giá vàng tăng mạnh vào buổi chiều, vượt xa mức giá trúng thầu dao động từ 38,7-38,92 triệu đồng/lượng (giá vàng miếng thị trường bán ra của chiều cùng ngày lên đến 41,1 triệu đồng/lượng). Ngoài ra, với mức giá đưa vàng ra đấu thầu của NHNN ngang bằng hoặc thấp hơn 1 ít so với giá vàng của thị trường, đã làm lợi cho các đại gia có nhiều vàng miếng SJC muốn bán vàng chuyển đổi thành tiền. Vì với mức giá đấu cao này, giá vàng mua vào thực tế của NHTM hay các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng niêm yết giá mua vào vàng miếng SJC cũng rất cao so với giá vàng thế giới. Chẳng hạn như sáng nay (17-4), giá mua vào vàng miếng SJC là 40,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới quy đổi là 34,7 triệu đồng/lượng, cao hơn giá bán ra của vàng thế giới đến 6 triệu đồng/lượng.

Như vậy, việc NHNN tổ chức đấu thầu chỉ làm lợi cho các đơn vị trúng thầu (bao gồm các NHTM và các DN đại gia kinh doanh vàng miếng), còn người dân mua vàng vẫn bị thiệt. Bằng chứng qua các phiên đấu thầu vàng của NHNN cho thấy rõ, giá vàng trong nước càng ngày càng cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới (từ chỗ chênh lệch ở mức 2,8 triệu đồng/lượng trước ngày đấu thầu lần đầu, nay sau 7 phiên đấu thầu của NHNN, mức chênh lệch lên đến 6 triệu đồng/lượng).

Lý giải việc này bởi lẽ, đơn vị trúng thầu đa phần là NHTM mua vào để bù số vàng đã bán ra các năm trước đây tạo thanh khoản, số vàng còn lại một ít mới bán ra thị trường và họ căn cứ giá trúng thầu vàng của NHNN làm cơ sở để bán ra giá cao hơn để có lãi. Mới sáng hôm qua đây thôi, đơn vị trúng thầu với giá 38,9 triệu đồng/lượng, đến chiều họ bán ra giá 41,1 triệu đồng/lượng có sao đâu, NHNN không có quyền can thiệp giá vàng bán ra của họ. Điều này cũng đúng thôi, vì chính Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN đã phát biểu chỉ bình ổn thị trường vàng chứ không bình ổn giá. Còn các DN khác trúng thầu thì bù vào số vàng đã bán khống trước cho đơn vị khác (NHTM cần mua bù thiếu hụt chẳng hạn) hoặc là DN đã có sẵn lượng vàng tồn kho trước đây với giá vốn thấp hơn, nên họ chẳng bị lỗ gì.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo nguồn tin từ một số đơn vị tham gia đấu thầu vàng sáng nay (17-4), phiên đấu thầu vàng thứ 8 của NHNN diễn ra thành công khi có 39.700 lượng vàng trong tổng số 40.000 lượng vàng chào bán đã được bán cho các đơn vị trúng thầu.

Mức giá sàn của phiên hôm nay là 40,7 triệu đồng/lượng. Nếu so với giá vàng mà các doanh nghiệp mua vào trên thị trường sáng nay thì mức giá sàn này cao hơn khoảng 500.000 đồng/lượng. Tuy giá sàn của phiên hôm nay cao hơn thị trường, nhưng cũng không có đơn vị nào may mắn mua được vàng với giá tối thiểu. Mức giá trúng thầu thấp nhất là 40,71 triệu đồng/lượng và cao nhất là 40,8 triệu đồng/lượng.

Việc khoảng cách giữa giá trúng thầu thấp nhất và cao nhất lên tới 90.000 đồng/lượng, cao hơn ở một số phiên trước cho thấy, có những đơn vị sẵn sàng chấp nhận mức giá “chát” hơn giá thị trường để mua được vàng.

Do chênh lệch giữa giá mua và bán vàng trên thị trường đang ở mức cao, khoảng 300.000-400.000 đồng/lượng, nên mua được vàng với giá trên, các đơn vị trúng thầu vẫn có thể có lãi đáng kể. Tuy nhiên, so với hôm qua, thì khả năng sinh lợi cho các đơn vị trúng thầu của phiên hôm nay có vẻ như thấp hơn, bởi hôm qua, giá mua-bán vàng chênh nhau cả triệu đồng mỗi lượng.

Có 16/21 đơn vị tham gia đấu thầu mua được vàng trong phiên này. Trong đó, đơn vị trúng nhiều nhất mua được 5.000 lượng, trúng ít nhất mua được 900 lượng.

Theo VnEconomy

Trọng Hùng (thực hiện)

;
.
.
.
.
.