.
10 NĂM ĐÀ NẴNG ĐÔ THỊ LOẠI 1 (15-7-2003 - 15-7-2013)

Hình thành trung tâm dịch vụ tài chính

.

Sau hơn 15 năm phát triển, từ chỗ chỉ có hơn 10 chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng (TCTD), đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có đến 58 chi nhánh TCTD và 233 phòng giao dịch, điểm giao dịch, quỹ tiết kiệm với sự đa dạng về loại hình hoạt động: 53 ngân hàng (NH) thương mại, 1 NH chính sách xã hội, 2 công ty tài chính, 2 công ty cho thuê tài chính... Việc có mặt của hầu hết các NH trên cả nước tại Đà Nẵng, chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của thành phố đối với các tổ chức TCTD.

Đà Nẵng có mặt gần như đầy đủ các NH trên cả nước.
Đà Nẵng có mặt gần như đầy đủ các NH trên cả nước.

Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống TCTD trên địa bàn đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế thành phố và đem đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, tạo cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp được tiếp cận vốn cũng như người dân được hưởng các dịch vụ tài chính hiện đại hơn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề luôn được các ngân hàng quan tâm, là làm sao phát triển hệ thống ngân hàng có tính hiệu quả tối ưu trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đã gia nhập WTO. Đây là bài toán khó không chỉ đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) mà kể cả với các cấp quản lý Nhà nước.

Thời gian đầu trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997-2003), Đà Nẵng mới có khoảng 15 chi nhánh NHTM và TCTD hoạt động. Đến nay, con số đó đã tăng lên  gấp  hơn 2,5 lần. Đặc biệt, trong vòng 7 năm gần đây, từ năm 2005-2013, đã có trên 40 NH trong và ngoài nước đến mở chi nhánh tại Đà Nẵng, trong đó có nhiều NH liên doanh với nước ngoài, 100% vốn nước ngoài... Thống kê như vậy để thấy sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính này. Các NH ngày càng mở rộng mạng lưới hoạt động ở Đà Nẵng, là vì có cùng nhận định trong tương lai gần, nơi đây sẽ là mảnh đất đầy tiềm năng để phát triển các dịch vụ NH.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các TCTD thực sự là công cụ quan trọng, tích cực để thực hiện chính sách tiền tệ - tín dụng không chỉ trên địa bàn thành phố, mà còn cả khu vực. Là kênh huy động và dẫn vốn quan trọng hỗ trợ đầu tư thực hiện các dự án thuộc mục tiêu chiến lược phát triển KT-XH của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sự phát triển của miền Trung và nhất là Đà Nẵng trong thời gian gần đây đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Và hệ thống NH cũng không đứng ngoài cuộc. Cũng như các thành phố động lực khác, tất cả các chi nhánh NHTM ở Đà Nẵng đều đóng vai trò “đầu tàu” để phát triển mạng lưới ra các địa phương khác trên khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thật không quá lời khi rất nhiều ý kiến có cùng nhận định: Đà Nẵng là đất lành của các NH, khi nơi đây hiện có sự góp mặt của hầu hết các NH. Và sự đầu tư kịp thời vốn tín dụng NH vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thực sự phát huy tác dụng  thông qua việc tham gia vào hầu hết các dự án trọng điểm, dự án lớn trong khu vực như: dự án đường cao tốc nối Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang; dự án hoàn chỉnh các hầm đường bộ qua đèo Phú Gia, Phước Tượng (Huế), dự án mở rộng sân bay Cam Ranh, sân bay Phù Cát, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án trong Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Khu kinh tế - thương mại Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) và các dự án gắn liền với tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Qua đó, điều kiện thúc đẩy giao thương của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, giúp cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên hội nhập với khu vực và phát huy tiềm năng, lợi thế của mình... 

Sự phát triển của ngành NH với tốc độ tương đối tốt kể từ khi Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1, đã tạo ra được một số lợi thế và tiền đề để Đà Nẵng vươn lên trở thành trung tâm tài chính - tiền tệ khu vực. Tuy nhiên, hệ thống NHTM vẫn còn thấp so với hai đầu đất nước... Vì vậy, để Đà Nẵng xứng đáng là trung tâm tài chính - tiền tệ của khu vực và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố động lực vùng, thành phố cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục hành chính, đồng thời, cũng cần tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức tài chính triển khai kinh doanh trên địa bàn, nhất là các tổ chức tài chính quốc tế lớn. Đặc biệt, chú trọng phát triển mạnh kinh tế địa phương từ chính nội lực của thành phố; xây dựng cơ chế chính sách hợp lý, tạo dựng môi trường thông thoáng để thu hút và hấp thụ tốt các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Do đó, trong các buổi làm việc với ngành NH, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương luôn chỉ đạo ngành NH cần có sự liên kết hình thành thị trường vốn, để tiến đến xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính lớn của cả nước; trong đó, cần tập trung đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn bằng cách tăng cường việc lắp đặt các máy ATM tại các quận, huyện ngoại thành. Đặc biệt, ngành NH cần tập trung phát triển hơn nữa các mạng lưới, dịch vụ mới; áp dụng khoa học công nghệ để mang lại cho xã hội những dịch vụ hoàn hảo hơn. Bởi, dịch vụ tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chỉ phát triển nếu chúng ta xây dựng được một hệ thống các NH mạnh để phát triển nhiều dịch vụ tài chính cao cấp, hình thành các định chế tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư... Không ít NH đang tính sẽ mở rộng mạng lưới ra các nước chung quanh và hiện đang chuẩn bị cho quá trình này.

Miền Trung - Tây Nguyên nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng là khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nhanh và bền vững các dịch vụ TCTD. Những tín hiệu gần đây cho thấy nền kinh tế các tỉnh miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng đang khởi sắc hơn, đó là điều kiện rất tốt cho sự phát triển các dịch vụ tài chính. Mặc dù còn không ít khó khăn thách thức nhưng trên bình diện chung, Đà Nẵng đã xứng tầm là trung tâm tài chính của khu vực.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.