Năm 2014, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm ở mức thấp nhất từ trước đến nay, thế nhưng dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư vẫn “chảy” vào ngân hàng.
Dù lãi suất huy động giảm nhưng người dân vẫn chọn ngân hàng là kênh đầu tư an toàn. |
Liên tiếp hạ lãi suất huy động
Sau đợt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh hạ lãi suất huy động dưới 6 tháng xuống 6%/năm, tưởng chừng nguồn tiền nhàn rỗi sẽ được hạn chế ở trong các hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, đến cuối tháng 8-2014, các ngân hàng lại thừa tiền, trong khi cho vay gặp khó khăn nên các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động.
Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm còn 4,5%/năm, 2 tháng là 5%, 3 tháng là 5,75%, 6 tháng là 6%; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9-12 tháng cũng giảm lần lượt là 6,5% và 7,2%/năm. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam lãi suất tiền gửi VNĐ kỳ hạn 1 tháng: 4,8%/năm, 2 tháng: 5%/năm, 3 tháng: 5,5%/năm, 6-9 tháng: 5,7%/năm, 12 tháng 6,5%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã giảm mức lãi suất huy động tiền đồng xuống mức 5,3%/năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng, 5,4%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng, 6%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, 6,2%/năm kỳ hạn 9 tháng và 6,8%/năm kỳ hạn 12 tháng. Techcombank điều chỉnh kỳ hạn 1-3 tháng lần lượt là 5,36%/năm, 5,4%, 5,51%/năm; kỳ hạn từ 4-6 tháng là 5,39%, 5,49% và 5,7%/năm…
Lý giải nguyên nhân giảm lãi suất huy động, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng Võ Minh cho rằng, do thanh khoản dồi dào, các ngân hàng hạ lãi suất huy động để giảm bớt gánh nặng lãi suất tiền gửi. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân do các doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn; trong khi những doanh nghiệp cần vốn thì không đáp ứng đủ các điều kiện cho vay. “Các ngân hàng cũng đang chịu áp lực về tăng trưởng lãi suất. Tuy nhiên, trong vấn đề cho vay họ khá thận trọng, tìm khách hàng vay nhưng phải bảo đảm an toàn, phải thẩm định kỹ càng để tránh phát sinh nợ xấu”, ông Minh cho biết.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nợ xấu ngày càng gia tăng, do không còn nguồn tài chính nào khác nên các ngân hàng phải tự trích lợi nhuận để bù lại số nợ xấu phát sinh. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải hạ lãi suất huy động đến mức thấp nhất để tối đa hóa mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.
Tiền vẫn cứ “chảy” vào ngân hàng
Với việc đồng loạt hạ lãi suất huy động trong thời gian qua, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết, đây là mức lãi suất huy động thấp nhất từ trước đến nay, nhằm hạn chế nguồn tiền “nhàn rỗi” trong dân gửi vào ngân hàng. Tuy nhiên, theo các ngân hàng thì người dân vẫn chọn ngân hàng là kênh đầu tư an toàn và đáng tin cậy.
Chị Phạm Thị Hồng Thúy (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cho biết, đất đai đóng băng, vàng giảm giá, chứng khoán cũng thất thường nên không dám đầu tư vào chỗ nào, chỉ có ngân hàng mới cho sinh lời chút ít. Tính toán như vậy nên chị gửi tiết kiệm số tiền hơn 500 triệu đồng tại một ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất 6,5%/năm. Chị Nguyễn Thị Hiền (đường Lê Duẩn) cũng gửi 3 sổ tiết kiệm 300 triệu đồng tuy lãi suất kỳ hạn một năm không còn hấp dẫn như trước.
Theo khảo sát tại một số ngân hàng như: BIDV Hải Vân, Quân đội, Đông Á, Vietinbank, Techcombank, ACB, Vietcombank, HDbank… cho thấy dư nợ huy động ở mức khá. Ông Lê Diệp, Giám đốc Vietcombank, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đến cuối tháng 8-2014, vốn huy động của ngân hàng tăng hơn 21,7% so với cuối tháng 12-2013. Trong khi đó, tín dụng cho vay chỉ tăng 5,4%. Từ thực tế trên cho thấy, nếu với đà này thì từ nay đến cuối năm thanh khoản của các ngân hàng sẽ dư hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Võ Minh cho biết, tiền “nhàn rỗi” vẫn chảy vào ngân hàng vì người dân cho đây là kênh đầu tư an toàn hơn, trong khi các kênh khác không ổn định. Qua theo dõi biểu đồ tăng trưởng nguồn vốn huy động cho thấy, tháng sau luôn tăng hơn tháng trước. Điển hình như tháng 7 đạt 56.892 tỷ đồng thì qua tháng 8-2014 đạt hơn 57.300 tỷ đồng.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ