Tài chính

Ngân hàng và doanh nghiệp: Cần có tiếng nói chung

07:28, 04/09/2015 (GMT+7)

Liên kết, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp (DN) là xu hướng tất yếu để tháo gỡ khó khăn cho DN; đồng thời, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn và bền vững cho ngân hàng. Tuy vậy, thời gian qua, ngành ngân hàng và DN vẫn chưa thực sự “gặp nhau”.

Ngân hàng và doanh nghiệp cần liên kết để phát triển bền vững. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Đà Nẵng.
Ngân hàng và doanh nghiệp cần liên kết để phát triển bền vững. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Đà Nẵng.

Doanh nghiệp kêu khó

Những năm qua, nhiều DN trên địa bàn thành phố lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể, những DN còn lại phải cố gắng duy trì hoạt động. Mặc dù ngành ngân hàng tập trung triển khai các giải pháp tín dụng, lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhiều DN vẫn không tiếp cận được nguồn vốn vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn do ngân hàng đưa ra.

Theo ông Nguyễn Cao Phong, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Chi nhánh Đà Nẵng (Vietcombank) thì hầu hết những DN trên địa bàn thành phố đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trình độ quản lý còn hạn chế, nhất là việc lập dự án vay vốn ngân hàng, lập dự toán thu chi trong kỳ kinh doanh còn nhiều sai sót nên không đáp ứng được các quy định của ngân hàng khi làm thủ tục vay vốn. Hơn nữa, tài sản đảm bảo, tài sản hình thành từ vốn vay có giá trị thấp, thông tin về tài chính DN còn thiếu minh bạch là những rào cản khiến các ngân hàng khó ra quyết định giải ngân vốn tín dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố Đà Nẵng cho rằng, bản thân các DN đã quá khó khăn nên họ phải đi vay. Trong khi các ngân hàng đòi hỏi DN phải có tài sản đảm bảo mới được vay thì loại tài sản này ở DN là rất hạn chế. Vậy nên, nhiều DN đã không còn mặn mà với việc vay vốn tại các ngân hàng.

Ngân  hàng đã “nới lỏng”

Để thực hiện mục tiêu liên kết, kết nối giữa ngân hàng và DN, từ đầu năm 2015, ngành ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã mở rộng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn để chia sẻ khó khăn với khách hàng vay…

Theo ông Nguyễn Cao Phong, từ đầu năm 2014 đến nay, Vietcombank đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay để tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Chi nhánh Đà Nẵng đã và đang có rất nhiều chương trình cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi, tập trung cho các DNNVV. Agribank Chi nhánh Đà Nẵng và các ngân hàng khác trên địa bàn cũng đã chủ động đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo định hướng phát triển của Chính phủ với lãi suất ưu đãi.

Theo bà Bùi Thị Bích Lan, Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Đà Nẵng, trước đây điều kiện cho vay khắt khe, nhưng nay đã “nới lỏng” hơn nhiều; nếu DN không có tài sản đảm bảo vẫn được vay. Vấn đề bây giờ là các DN phải xây dựng được năng lực tài chính, quản lý, điều hành DN tốt. Nếu DN không có tài sản đảm bảo thì DN phải chứng minh được hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có lãi hoặc có dự án, phương án kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, DN cũng phải minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và luôn hợp tác, đồng hành với ngân hàng để cùng nhau phát triển.

Cần có  tiếng nói chung

Việc kết nối ngân hàng-DN là cần thiết trong thời buổi các DN gặp khó khăn hiện nay. Song, để kết nối thành công, đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp của cả chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, các ngân hàng thương mại, các DN và đặc biệt là vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo, đề ra những chính sách, lãi suất, cơ chế phù hợp gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố cho rằng, ngành ngân hàng đang ngày càng cởi mở hơn với DN; vì vậy, DN phải tận dụng cơ hội này để triển khai vay vốn. Ngay bây giờ, các DN phải cơ cấu lại nguồn vốn, chiến lược, nhân sự, tài chính; tìm được những dự án mới, ý tưởng mới trong kinh doanh để tiếp cận tốt hơn với ngân hàng.

Về phía ngân hàng, theo ông Nguyễn Cao Phong, các ngân hàng cần tiếp tục tập trung các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, về lãi suất; xem xét giải quyết cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả để hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn.

Bài và ảnh: Thanh Tình

.