Để giám sát việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam yêu cầu TCTD có nợ xấu từ 3% trở lên triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý để đưa nợ xấu xuống dưới 3% trước ngày 30-9-2015. Tại Đà Nẵng, mặc dù nợ xấu của các TCTD chưa vượt ngưỡng 3%, nhưng các TCTD cũng tập trung dồn lực xử lý.
Các ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng tập trung các biện pháp xử lý nợ xấu (ảnh có tính minh họa). |
Nợ xấu thấp
Tại Đà Nẵng, tình hình nợ xấu thấp (khoảng 1,34%), song cũng cần xử lý quyết liệt để hạn chế rủi ro. Để thực hiện xử lý nợ xấu, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn đã đánh giá lại chất lượng và nguyên nhân phát sinh nợ xấu để có biện pháp xử lý phù hợp với từng khách hàng nhằm thu hồi nợ hiệu quả.
Hầu hết các TCTD đều chọn hình thức xử lý nợ xấu bán nợ, trong đó, bán nợ xấu cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) là 77,14%, bán cho các tổ chức, cá nhân khác là 2,48%. Ngoài ra, nợ xấu còn được xử lý bằng biện pháp thông qua chấm điểm xếp hạng tín dụng hoặc qua thời gian thử thách (0,8%)…
8 tháng đầu năm 2015, nợ xấu tại các TCTD được khách hàng trả là 156.166 triệu đồng, chiếm 10,08% tổng nợ xấu được xử lý. Đối với các khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ, được ngân hàng đánh giá có thiện chí, có khả năng trả nợ thì các chi nhánh TCTD thực hiện cơ cấu nợ, giảm lãi vay nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng ổn định đời sống, khôi phục hoạt động kinh doanh.
Theo đại diện NHNN Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng, trong năm 2014 và 8 tháng đầu năm 2015, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại lần lượt là 2.087 tỷ đồng và 1.284 tỷ đồng. Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn cũng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN để tạo nguồn xử lý nợ xấu.
Là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, nợ xấu dưới mức quy định, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng chất lượng tín dụng, nợ xấu của ngân hàng vì vậy cũng giảm đáng kể. Hiện, nợ xấu của Vietcombank chỉ xấp xỉ 0,4%. Đó là một nỗ lực lớn của Vietcombank để cùng với các TCTD khác trên địa bàn Đà Nẵng đưa nợ xấu xuống thấp dưới 3% theo mục tiêu chung của NHNN Việt Nam.
Cần tiếp tục xử lý
Đại diện NHNN Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 57 chi nhánh TCTD. Đến ngày 31-8-2015, tổng nợ xấu trên địa bàn là 885 tỷ đồng, chiếm 1,34% tổng dư nợ. So với đầu năm, nợ xấu giảm 318 tỷ đồng (giảm 26,43% và giảm 0,56% so với năm 2014).
Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, tại Đà Nẵng, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh là do các TCTD thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp như bán nợ xấu cho VAMC, bán, phát mãi tài sản, khách hàng trả nợ, xử lý rủi ro...
Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn Đà Nẵng tuy không đáng kể, song, cần xử lý dứt điểm. Để giải quyết nợ xấu, thời gian qua, NHNN đã tích cực hỗ trợ các TCTD trong việc phối hợp với Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết và thi hành các vụ án tranh chấp tín dụng; chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các TCTD trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định trong hoạt động ngân hàng, chú trọng công tác thẩm định và xét duyệt cho vay.
Ngoài ra, NHNN còn phối hợp với Cục Thi hành án dân sự thành phố giải quyết những vấn đề còn vướng mắc của các TCTD; đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát các ngân hàng trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng; pháp luật tiền tệ, nâng cao khả năng cảnh báo, phòng ngừa và xử lý rủi ro...
Bài và ảnh: THANH TÌNH