.

Cho vay tiêu dùng: Cần có cái nhìn khách quan

.

Vay tiêu dùng hiểu theo nghĩa hẹp là hoạt động cung cấp các khoản vay nhỏ cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình; theo nghĩa rộng, thì vay tiêu dùng còn gồm cả các khoản cho vay lớn như mua ô tô…

Các khoản cho vay tiêu dùng ngày nay phần lớn được cung ứng bởi các công ty tài chính, dưới các hình thức như cho vay mua ô tô, xe máy trả góp; cho vay mua điện thoại, điện tử  điện máy trả góp, phục vụ cho mục đích tiêu dùng…

Hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước - chi trả sau dưới nhiều hình thức.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, cho vay tiêu dùng không chỉ có ý nghĩa đối với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội, là một công cụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Với lợi thế khoản tiền vay có giá trị nhỏ, chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, không cần tài sản thế chấp, thủ tục hồ sơ đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng, vay tiêu dùng tín chấp đang được đông đảo người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp sử dụng để giải quyết các khó khăn về tài chính trong thời gian gần đây.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, những lợi ích mà vay tiêu dùng mang lại là rất lớn. Nó giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp hay nhóm khách hàng “dưới chuẩn” thường bị từ chối bởi các ngân hàng thương mại truyền thống, góp phần giúp nhóm dân cư “bình dân” tích lũy được tài sản, cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội.

Hơn nữa, cho vay tiêu dùng giúp khách hàng quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác, trong đó bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Đặc biệt, việc cho vay tiêu dùng còn làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Và đây cũng được xem là một kênh quan trọng có tác dụng kích cầu tiêu dùng. Qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, kênh tín dụng tiêu dùng mới chỉ phát triển mạnh mẽ trong một vài năm gần đây. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cho vay tiêu dùng hiện chiếm khoảng 8% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Con số trên cho thấy, tiềm năng của thị trường này trong tương lai vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động cho vay tiêu dùng hiện chưa được nhìn nhận một cách khách quan cả từ phía người dân và xã hội do lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với lãi suất cho vay kinh doanh. Theo giải thích của ông Phạm Xuân Hòe, với quy định tại Khoản 2, Điều 91 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư 12 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về việc thực hiện lãi suất thoả thuận trong cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng, không thể so sánh mức lãi suất sản phẩm cho vay tín chấp tiêu dùng của các công ty tài chính với mức lãi suất các sản phẩm cho vay của ngân hàng thương mại bởi đó là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau.

Theo phân tích của ông Hòe, nguyên nhân khiến giá khoản vay từ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính và giá của sản phẩm cho vay tiêu dùng cao hơn so với sản phẩm vay của ngân hàng thương mại là do chi phí đầu vào của nguồn vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại, bởi công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư cũng như không tận dụng được lợi thế mạng lưới như ngân hàng thương mại. Hơn nữa, do độ rủi ro cao, nên lãi suất của cho vay tiêu dùng tín chấp của  công ty tài chính phải cao hơn so với cho vay tiêu dùng có tài sản thế chấp của ngân hàng thương mại. Thêm vào đó, với giá trị của khoản vay nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6-8 tháng, thậm chí 4-5 tháng) đã dẫn đến các chi phí như: Thẩm định, đòi nợ, quản lý khoản vay, phục vụ… cao hơn so với bình thường.

  “Vay tiêu dùng tín chấp lãi suất cao hơn vay thế chấp là điều tự nhiên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển. Và đó là xu hướng tài chính cá nhân hiện đại, tự bản thân nó sẽ điều chỉnh để phù hợp với thị trường, do đó, chúng ta cần có cái nhìn thật sự khách quan về hoạt động vay tiêu dùng”, ông Hoè nhận định.

Đ.N

;
.
.
.
.
.