Địa ốc
Quy hoạch đô thị theo tầm nhìn mới
Triển khai nhiệm vụ thiết kế quy hoạch đô thị đến năm 2025, tầm nhìn 2030, thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo “Quy hoạch TP. Đà Nẵng - Quá trình hội nhập và phát triển”. P.V Báo Đà Nẵng ghi lại một số ý kiến đánh giá từ các nhà khoa học.
Hiện đại trên nền truyền thống
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư đáng kể cho đôi bờ sông Hàn từ khi cây cầu quay đầu tiên của Việt Nam được bắc qua dòng sông năm 2000 với những đóng góp tài chính chủ yếu từ người dân. Từ đó, những công viên, đường đi dạo mở ra dọc hai bờ, những cây cầu tiếp nhau nối liền hai bờ đông tây, những sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế như cuộc thi bắn pháo hoa… sông Hàn cũng đồng thời trở thành “chiếc ban công” thể hiện bộ mặt đô thị Đà Nẵng. Cũng từ đây, các dự án bất động sản hàng trăm triệu USD được đầu tư xây dựng. Các dự án xây dựng hai bên sông Hàn, đặc biệt trong khu vực trung tâm diễn ra nhanh chóng với các công trình quy mô rất lớn, hứa hẹn một hình ảnh Đà Nẵng phát triển, hiện đại.
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ bờ đông sông Hàn |
Sự phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống mà Đà Nẵng đang tạo dựng để lại ấn tượng đối với Tiến sĩ Phạm Thúy Loan (Đại học Xây dựng Hà Nội). “Sự phát triển của thành phố Đà Nẵng được ví như một cuốn sách mở ra hai bên dòng sông Hàn. Dòng sông Hàn, như gáy của “cuốn sách”, như cột trụ của sự phát triển ấy đã trở thành dòng sông có ý nghĩa hơn bao giờ hết đối với Đà Nẵng về mặt không gian, kinh tế, văn hóa-xã hội”, Tiến sĩ Loan nói.
Đây không phải lần đầu công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng được giới chuyên môn trong nước đánh giá cao mà trong cuộc hội thảo “Tầm nhìn quy hoạch phát triển Đà Nẵng hướng đến đô thị hiện đại có bản sắc” cũng đã khẳng định. Nhận định chung của các chuyên gia đầu ngành quy hoạch đô thị đã cho rằng, Đà Nẵng được hưởng những ưu đãi quá lớn của thiên nhiên để tổ chức không gian đô thị. GS.TSKH Nguyễn Mạnh Thu, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc sư Hội KTSVN thốt lên: “Một đô thị có cả núi, dòng sông đi qua giữa thành phố và bờ biển dài cát mịn, nước trong là một sự ưu đãi rất lớn của thiên nhiên”. Không gian đô thị dọc hai bên bờ sông Hàn cùng hệ thống các cây cầu trong lòng đô thị tạo nên dáng vẻ thơ mộng. Hệ thống các vị trí có độ cao được khai thác vào hoạt động nghỉ ngơi, giải trí như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Sơn Trà, Hải Vân. Và cấu trúc không gian đô thị được hình thành, kế thừa qua các giai đoạn lịch sử thể hiện ở di tích thành Điện Hải, khu phố Pháp…
Những phản biện
“Đến nay đã có 147 dự án Nghiên cứu chiến lược phát triển liên kết thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận (DaCRISS) được JICA chọn triển khai đầu tư với tổng chi phí 2.685 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư gồm phát triển kinh tế - xã hội, quản lý môi trường, nhà ở, giao thông, kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển nguồn nhân lực, du lịch… Dự báo dân số chuẩn của thành phố Đà Nẵng quy hoạch đến năm 2020 là 1,5 triệu người; đến năm 2020 Đà Nẵng không có xe máy lưu hành trên đường phố; phấn đấu sớm có tàu điện ngầm. Dự tính diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 19.500 ha”. (Theo thống kê của Đoàn nghiên cứu JICA- Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) |
GS.TS Hồng Kế (từng tham gia nghiên cứu Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2020) nhận định: Đà Nẵng đã thành công trong việc thực hiện các ý tưởng lớn của quy hoạch được phê duyệt về Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2020. Nhưng GS.TS Hồng Kế đặt vấn đề: “Trong xu thế phát triển hiện nay, Đà Nẵng có nên theo hướng như trong các thập kỷ qua nữa không? Đó là câu hỏi không dễ có câu trả lời có thể chấp nhận được. Dù vậy, với xu thế phát triển nói chung và phát triển đô thị nói riêng, có thể thấy một xu thế tất yếu là phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, hướng tới phát triển bền vững và phát triển đô thị bền vững”.
Tiến sĩ Phạm Thúy Loan cảnh báo: Những thế lực thị trường quá mạnh và năng động sẽ nhào nặn vóc dáng thành phố trở nên có vẻ hiện đại và phát triển với những cao ốc bọc kính láng bóng. Thế nhưng nó cũng chứa đựng đầy các nguy cơ làm mất đi các giá trị văn hóa, lịch sử của không gian đô thị hai bên sông. Ở đôi bờ sông Hàn đang xuất hiện những dự án nhà cao tầng như Olalani và Đà Nẵng World Trade Centre, khu đô thị quốc tế Đa Phước và Blooming Tower ít nhiều cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến không gian và hình ảnh đô thị.
Với sự phân bố công trình cao tầng hiện nay, có thể thấy các công trình này chưa tạo nên một hình ảnh tổng thể đẹp mắt, độc đáo, ấn tượng cho Đà Nẵng, nhưng lại đang có nguy cơ phá hỏng đặc điểm không gian và hoạt động trong khu vực trung tâm đô thị lịch sử do quy mô, khối tích và các chức năng mới không phù hợp.
Do đó, Đà Nẵng cần cân nhắc, hạn chế hoặc dừng các dự án cao tầng thuộc khu vực trung tâm cũ. Các kiểm soát về cao tầng phù hợp cần cân nhắc khoa học. Cần xây dựng một thiết kế tổng thể về mặt hình ảnh đô thị làm cơ sở cho việc triển khai các dự án, chú trọng các hướng phát triển mới sang khu vực bờ Đông sông Hàn.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG