.

Quy hoạch phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên

.

Đà Nẵng là thành phố trẻ, trong những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt, đặc biệt là công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Đây là một trong những lĩnh vực mà Đà Nẵng đã và đang có sự đột phá về tư duy mang tính chỉ đạo trong quy hoạch, phát triển kiến trúc để trở thành một đô thị hiện đại, với định hướng phát triển không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên. 

Mô tả ảnh.

Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng hài hòa với thiên nhiên.

Theo quy hoạch chung về phát triển không gian thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng là trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Thời gian qua, Đà Nẵng hình thành nhiều khu đô thị mới có quy mô từ 500-1.000 ha; hoàn thiện các Khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Cầm, Đà Nẵng, Liên Chiểu... theo hướng thân thiện với môi trường và hài hòa với xu thế phát triển đô thị bền vững. Đà Nẵng đã lập quy hoạch phủ kín tổng diện tích khoảng 8.000 ha với hơn 2.000 đồ án quy hoạch chi tiết; khớp nối tất cả các đồ án quy hoạch chi tiết trên nền địa hình, trên cùng hệ tọa độ, tạo điều kiện chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý quy hoạch đô thị.

Công tác thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch luôn đổi mới để nâng cao chất lượng; chú trọng phát huy cảnh quan thiên nhiên, đô thị được tổ chức hướng ra sông, biển, các khu cảnh quan đẹp như Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... Với lợi thế của mình cùng với xu thế hòa nhập, liên kết phát triển các đô thị khu vực và xa hơn nữa, Đà Nẵng đang hướng tới mô hình phát triển đô thị sinh thái và phát triển bền vững, trong đó, lấy các yếu tố công cộng, không gian công cộng làm đối trọng chính.

 
Trong tương lai, muốn vươn đến một đô thị phát triển hiện đại và bền vững, Đà Nẵng phải bảo đảm được 10 nhóm tiêu chí: Phân bố và quy hoạch đô thị phù hợp với các vùng địa lý và điều kiện sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường; trình độ dân trí đô thị và nguồn lực phát triển đủ mạnh; nền kinh tế đô thị phát triển ổn định và bền vững nhằm tạo nhiều việc làm đô thị ổn định, bền vững cho mọi thành phần kinh tế và mọi người dân đô thị; trình độ quản lý phát triển đô thị đủ mạnh và bền vững; cơ sở hạ tầng xã hội đô thị đầy đủ, ổn định và phát triển bền vững; dịch vụ đô thị đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao; huy động sự tham gia của cộng đồng  người dân đô thị trong công tác quy hoạch phát triển và quản lý đô thị; cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị đầy đủ phát triển bền vững; lồng ghép quy hoạch môi trường trong quy hoạch đô thị; hợp tác phối hợp điều hành vùng hợp lý, hiệu quả cùn
g có lợi và cùng phát triển...
 
(Nguồn: Hội thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng hội nhập và phát triển)

Từ đầu năm 2010 đến nay, thành phố thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trên 4.826 tỷ đồng, kể cả các nguồn vốn ODA, dự kiến đến cuối năm 2010, hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng đô thị sẽ tăng thêm 2.800 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn thành phố có nhiều dự án, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đáng chú ý là các công trình giao thông như đường Đà Nẵng - Hội An, Bạch Đằng giai đoạn 2, Nguyễn Văn Linh nối dài, Lê Trọng Tấn - Trần Thái Tông, Trần Văn Dư - Hồ Xuân Hương, ĐT 605, cầu Hòa Xuân, cầu Tà Lang - Giàn Bí, cầu qua sông Yên... Nhiều dự án, công trình mới trong cơ cấu vốn đầu tư đang đẩy mạnh triển khai như: cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý, đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Linh nối dài đến biển...

Các dự án, công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như: công trình cầu Rồng, Bệnh viện Ung thư, các khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, Trung tâm đô thị Tây Bắc, ký túc xá sinh viên với 728 phòng... Chương trình Nhà ở xã hội có nhiều chuyển biến tích cực khi các dự án chung cư mới cho người thu nhập thấp liên tục hoàn thành với 66 block (2.859 căn hộ). Mới đây nhất, vào ngày 6-8, UBND thành phố phối hợp với Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng hội nhập và phát triển đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc cả nước tham dự. Đây cũng là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe những đóng góp quý giá của các chuyên gia trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị hạt nhân khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng của Đà Nẵng đang đứng trước những thách thức mới, bởi làm thế nào để các dự án đầu tư đem lại hiệu quả cao, phù hợp với sự vận động của thực tiễn là vấn đề cần giải quyết mang tính chiến lược. Trước thực tế đó, Đà Nẵng đề ra nhiều giải pháp mang tính bền vững trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị. Để thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị đến năm 2025, UBND thành phố cũng đã dành 200.000 USD thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài, nhóm tư vấn có nhiệm vụ đề xuất những ý tưởng mới cho quy hoạch chung, quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước, cây xanh đô thị và đặc biệt chú trọng đến quy hoạch hạ tầng giao thông để thành phố phát triển bền vững...

Để phát triển thành phố thân thiện với môi trường, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn, tạm dừng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án khu vực bán đảo Sơn Trà và các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường, giao các ngành chức năng phối hợp tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai dự án, góp vốn điều lệ; đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Đà Nẵng đang tiến tới trở thành thành phố công nghệ môi trường trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế, cân bằng sinh thái với nhiều dự án trọng điểm: Khu đô thị Đa Phước, Khu đô thị Vinacapital, Blooming Tower, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin, Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, các dự án cải thiện vệ sinh-môi trường, xử lý rác thải, giao thông công cộng...

Theo GS-TS Lê Hồng Kế (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị), hiện nay Đà Nẵng cơ bản đã thành công trong việc thực hiện hầu hết các ý tưởng lớn trong Dự án Quy hoạch chung thành phố đến năm 2020. Tuy nhiên, để đạt đến tầm một thành phố hiện đại và bền vững, phát triển hài hòa với thiên nhiên, thành phố cần tập trung huy động cả tiềm năng nội lực và ngoại lực để phát triển đô thị mang bản sắc riêng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Có thể nói, trên cơ sở định hướng quy hoạch phát triển đô thị mang tính bền vững, cùng với những giải pháp mạnh trong công tác đầu tư và thu hút đầu tư, Đà Nẵng đã và đang quản lý và phát triển đô thị theo hướng hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, phát huy không gian mặt nước, khuyến khích phát triển tạo hình thái đặc trưng cho đô thị du lịch. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả về mặt cảnh quan đô thị, ngoài sự quan tâm của chính quyền thành phố, cần có sự phấn đấu của nhiều ngành, nhiều cấp, sự đồng thuận của nhân dân mới tạo dựng được bộ mặt cho đô thị Đà Nẵng ngày càng hiện đại hơn.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.