Nhìn từ thực tiễn quận Thanh Khê - nơi tôi từng làm Bí thư Quận ủy, tôi xin đặt ra và trả lời bốn câu hỏi sau đây: [1] Quản lý quy hoạch đô thị để làm gì? [2] Quản lý quy hoạch đô thị là việc của ai? [3] Muốn quản lý tốt quy hoạch đô thị cần có những điều kiện nào? [4] Bằng cách nào để có thể quản lý tốt quy hoạch đô thị?
Bộ mặt Đà nẵng ngày càng khởi sắc nhờ làm tốt công tác quy hoạch đô thị. (Ảnh tư liệu) |
1- Quản lý quy hoạch đô thị để làm gì? Quản lý quy hoạch đô thị có hai mục đích chính: [1] Bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch, hạn chế tình trạng quy hoạch một đằng thực thi một nẻo; [2] Kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn để kiến nghị / quyết định điều chỉnh quy hoạch. Mục đích thứ hai là cần thiết nhưng mục đích thứ nhất mới là chủ yếu, bởi nếu quy hoạch càng hoàn chỉnh thì mục đích thứ hai càng trở nên ít / không cần thiết, và ngược lại.
2- Quản lý quy hoạch đô thị là việc của ai? Quản lý quy hoạch đô thị trước hết là việc của chính quyền các cấp, bao gồm Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân và các cơ quan chức năng trực thuộc. Nhưng quản lý quy hoạch đô thị không chỉ là việc của chính quyền các cấp mà còn là việc của cộng đồng đô thị. Chính quyền các cấp là chính quyền của dân, do dân và vì dân, đủ tư cách thay mặt dân để quản lý quy hoạch. Tuy nhiên dẫu cố gắng đến mấy thì chính quyền cũng không thể đủ sức đảm đương trọn vẹn công việc này, đòi hỏi phải xã hội hóa nguồn lực quản lý, phải huy động sức mạnh của cả cộng đồng đô thị. Có người từng hình dung yêu cầu quản lý quy hoạch đô thị như một khối vuông rỗng trong đó chứa một khối cầu tròn là năng lực quản lý của chính quyền; khối cầu tròn này dẫu tròn trĩnh đầy đặn đến mấy cũng không thể lấp kín hoàn toàn khối vuông rỗng kia, tức vẫn còn những góc trống chưa thể phủ đầy; muốn phủ đầy những góc trống ấy, chính quyền không thể không dựa vào nguồn lực quản lý - bao gồm cả năng lực tự quản - của cộng đồng đô thị.
3- Muốn quản lý tốt quy hoạch đô thị cần có những điều kiện nào?
3.1- Trước hết phải có một quy hoạch đô thị tương đối hoàn chỉnh - một quy hoạch vừa thể hiện tầm nhìn xa rộng lại vừa phải mang tính khả thi cao, vừa bao gồm cả những đề án ngắn hạn lẫn những đề án dài hạn lại vừa phải hạn chế đến mức thấp nhất khả năng “quy hoạch treo” - được hiểu là kéo dài tiến độ ngoài dự kiến ban đầu, do một trong hai hoặc do cả hai nguyên nhân sau: [1] quy hoạch không sát đúng, thậm chí sai lầm ảnh hưởng đến phát triển bền vững; [2] quy hoạch sát đúng bảo đảm phát triển bền vững nhưng không khả thi so với sức chịu đựng của nền kinh tế đương thời.
3.2- Phải có một chính quyền nghiêm minh và chuyên nghiệp. Nghiêm minh là vừa nghiêm vừa minh. Nghiêm được đã khó, minh được càng khó hơn nhiều. Thiếu công tâm, thiếu công bằng thì khó công khai, nghĩa là khó minh. Mà không minh thì làm sao nghiêm được? làm sao xử lý cho rốt ráo, cho triệt để được? làm sao tránh được tình trạng chỗ triệt chỗ để thiếu nghiêm minh? Muốn nghiêm minh thì cần phải thật sự sâu sát, vì vậy ở đây còn có vấn đề phân cấp quản lý một cách hợp lý. Nói chung thành phố không nên phân cấp cho quận trong quy hoạch đô thị, bởi đặc trưng mà cũng là sức mạnh của quy hoạch đô thị là tính tổng thể, phân cấp cho quận trên lĩnh vực này rất dễ dẫn tới khả năng phá vỡ tính tổng thể ấy; nhưng về quản lý quy hoạch đô thị thì quận lại rất cần được uỷ quyền nhiều hơn để có thể chủ động xử lý và ứng phó trong phạm vi được phân cấp. Chuyên nghiệp là có nghề - công tác quy hoạch đô thị trước hết là công việc chuyên môn của những người có nghề, nhưng những người có nghề trên lĩnh vực này lâu nay chỉ được hiểu là các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng. Điều này xuất phát từ lối tư duy kỹ trị. Thật ra ở đây vai trò của các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng rất quyết định nhưng không phải là duy nhất. Trong công tác quy hoạch đô thị rất cần sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các chuyên gia tâm lý học, xã hội học và sử học, nói cách khác ngoài khía cạnh kỹ thuật còn cần chú ý đúng mức khía cạnh văn hóa của vấn đề. Xin nói thêm là nếu chỉ xét riêng theo tư duy kỹ trị cũng không phải mọi việc đã đâu vào đó, bởi trong thực tế thành phố đang rất thiếu và vì thế đang rất cần những chuyên gia thiết kế đô thị (urban design), thậm chí đang rất thiếu và vì thế đang rất cần những chuyên gia quy hoạch đô thị (urban planner)(1).
3.3- Phải thực sự mở rộng dân chủ trong đời sống xã hội, hết sức tránh tình trạng “tam quyền phân lập” khi huy động sức mạnh của cả cộng đồng đô thị vào quá trình quy hoạch và quản lý quy hoạch. “Tam quyền” là gì? Đó là quyền được nói, quyền được nghe và quyền được làm. Và thế nào là “phân lập”? Đó là khi người nói rất sôi nổi thật lòng, người nghe càng chân thành chăm chú, người làm cũng hăng hái nhiệt tình, chỉ có điều ai nói cứ nói, ai nghe cứ nghe, còn ai làm cứ làm, hoàn toàn “phân lập”. Tất nhiên muốn mở rộng dân chủ trong đời sống xã hội thì trước hết phải biết vượt qua thái độ chủ quan của không ít chuyên gia cho rằng quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị là chuyện riêng của những người có nghề, tay ngang không thể tham gia được(2). Thực tế chứng tỏ cộng đồng đô thị không chỉ đưa ra được nhiều ý kiến có giá trị tham khảo mà thậm chí ở một số nước - thông qua hình thức trưng cầu dân ý - đôi khi những ý kiến ấy còn mang ý nghĩa quyết định. Mặt khác như phân tích trên, thành phố không nên phân cấp cho quận trong quy hoạch đô thị nhưng cũng cần mở rộng dân chủ để chính quyền cấp dưới có thể trực tiếp góp ý vào chính cái mà người ta sẽ được giao quản lý.
3.4- Muốn mở rộng dân chủ trong đời sống xã hội còn đòi hỏi phải có một mặt bằng dân trí nhất định. Dân trí ở đây không chỉ là vấn đề đã/chưa phổ cập giáo dục mà còn là vấn đề phổ cập kiến thức pháp luật và quan trọng hơn là phổ cập ý thức thượng tôn pháp luật - bởi quy hoạch đô thị thực chất cũng là một loại luật. Dân trí còn là năng lực cân đối giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, giữa lợi ích của nhiều cộng đồng với nhau và giữa lợi ích của một cộng đồng với lợi ích của toàn xã hội. Tính cố kết cộng đồng vừa là chỗ mạnh nhất mà cũng là chỗ yếu nhất của văn hóa Việt. Không thể có một quy hoạch đô thị nghiêm túc và hoàn chỉnh khi người dân thiếu ý thức cộng đồng, chẳng hạn nghĩ rằng nhà tôi tôi muốn xây kiểu gì cũng được, không thấy rằng dẫu là xây đẹp đi nữa thì từng nhà đẹp đứng cạnh nhau mà thiếu sự hài hòa có khi sẽ tạo thành một khu phố xấu. Ngay cả khi tham gia quá trình quy hoạch và quản lý quy hoạch thì “lợi ích của những nhóm người khác nhau sẽ có những mục tiêu tham gia khác nhau”(3). Cho nên dân trí ở đây còn là vấn đề ứng xử văn hóa, còn là vấn đề thị hiếu thẩm mỹ chứ không chỉ là vấn đề học vấn, mặc dầu học vấn theo quan niệm hiện đại là tổng hòa của cả bốn yếu tố: học để biết cách học, học để làm, học để khẳng định mình và học để sống với nhau.
4- Bằng cách nào để có thể quản lý tốt quy hoạch đô thị?
4.1- Trước hết là cấp chính quyền phê duyệt quy hoạch phải thường xuyên quảng bá - chứ không chỉ công bố một lần - thông tin về quy hoạch đô thị để chính quyền cấp dưới, nhất là cấp được giao quản lý quy hoạch cùng cả cộng đồng đô thị được biết tường tận. Chỉ có biết tường tận khu vực nào sẽ chỉnh trang, khu vực nào vẫn ổn định, đâu là dự án công ích, đâu là dự án kinh doanh... thì người được giao quyền quản lý mới có thể quản lý tốt, thì người dân có trách nhiệm chấp hành mới có thể chấp hành nghiêm. Về chuyện này, sự khuất tất thiếu minh bạch dù nhỏ đến mấy cũng sẽ trở thành trở lực lớn.
4.2- Có cơ chế để tạo sự thống nhất giữa quản lý xây dựng theo quy hoạch với quản lý kiến trúc. Nói chung quản lý quy hoạch đô thị cần được ủy quyền cho cấp quận nhưng quản lý kiến trúc đô thị thì nên tập trung về một mối là Sở Xây dựng hoặc Văn phòng Kiến trúc sư trưởng. Chính quyền cấp quận quản lý toàn bộ công trình xây dựng trên địa bàn không để xảy ra tình trạng xây dựng không xin phép, hoặc lấn chiếm trái phép đất công, hoặc xây dựng bất hợp pháp trên khu vực đã được quy hoạch; đồng thời không để xảy ra tình trạng xây dựng không bảo đảm các yêu cầu về kiến trúc đô thị, vì thế để hình thành cơ chế nêu trên nhất thiết chính quyền cấp quận phải được cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin về quy hoạch cũng như về kiến trúc, nhất là những yêu cầu bắt buộc về kiến trúc (số tầng tối đa, độ cao mỗi tầng, màu sắc chủ đạo...) đối với từng công trình xây dựng - là lĩnh vực không nằm trong thẩm quyền quản lý của quận.
4.3- Việc quản lý quy hoạch phải được tiến hành thường xuyên nhằm bảo đảm mọi công trình xây dựng mới trên địa bàn được thực hiện theo đúng các yêu cầu về quy hoạch, về kiến trúc và về quản lý (xin phép, nộp thuế...), đồng thời bảo đảm xử lý theo hướng ngăn chặn từ đầu các trường hợp vi phạm - đặc biệt là cố tình vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản xã hội do phải phá bỏ tháo dỡ. Mô hình Đội Quy tắc đô thị có thể xem là tương đối phù hợp trong bối cảnh hiện nay, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sâu sát, kịp thời như vừa nêu, tất nhiên phải có sự cộng tác tích cực của các Ủy ban Nhân dân phường; thế nhưng về lâu về dài có thể tính toán thêm khả năng sáp nhập tổ chức này vào Phòng Quản lý đô thị nhằm tạo thống nhất cao hơn giữa các khâu trong quy trình quản lý quy hoạch.
Bùi Văn Tiếng
1 Xem Đặng Thái Hoàng (chủ biên) - Hợp tuyển Thiết kế đô thị - Nxb. Xây dựng - Hà Nội - 2004.
2 Xem thêm TS.KTS Đỗ Hậu - Xã hội học đô thị - Nxb. Xây dựng - Hà Nội - 2001 - trang 97.
3 Xem TS.KTS Đỗ Hậu - Sách đã dẫn - trang 94.