Qua đầu tư phát triển và chỉnh trang đô thị, tại thành phố Đà Nẵng xuất hiện thêm nhiều tuyến phố mới rộng rãi, bề thế như Ngô Quyền, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ… Nhà cửa trên các tuyến phố này đều được xây dựng quy củ, khang trang và hầu như không thấy bóng dáng các căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Cuối năm 2010, thành phố đã chính thức có chủ trương cho mua bán, hợp thửa đất rẻo, đất “đầu thừa đuôi thẹo”.
Một thửa đất rẻo sau khi quy hoạch mở đường tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn đã được xây dựng công trình khang trang, bảo đảm cảnh quan kiến trúc đô thị. |
Ông Trương Văn Ngọc, Quyền Trưởng Phòng Quản lý kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết việc xử lý đất thừa, đuôi thẹo đã được thực hiện từ lâu. Trong nhiều năm qua, thành phố chủ trương khi giải tỏa mở đường sẽ kết hợp thu hồi đất hai bên để sắp xếp lại đồng bộ. Nhà cửa phải xây dựng mới theo quy hoạch trên các lô đất có diện tích trung bình 80-100m2. Các miếng đất dưới 40m2 sẽ được thu hồi để xử lý theo quy hoạch như mở đường nội bộ cho khu dân cư phía sau, ghép thửa... Từ năm 2006, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện Quyết định 19 của UBND thành phố về quản lý quy hoạch xây dựng.
Theo đó, diện tích đất ở mặt phố nhỏ hơn 40m2 không được xây quá hai tầng. Các trường hợp tồn tại trước khi có quyết định này chỉ cải tạo nguyên trạng, không được nâng tầng. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng xét cụ thể từng trường hợp để báo cáo UBND thành phố quyết định. Chẳng hạn, trên một mặt phố đã có nhà ba tầng ở hai bên, ở giữa có ngôi nhà diện tích nhỏ hơn 40m2, song bề ngang vẫn bảo đảm 4m, nếu theo nguyên tắc chỉ cho xây 1-2 tầng thì sẽ cái cao, cái thấp. Còn nếu cho họ xây ba tầng bằng hai nhà bên cạnh thì sẽ hài hòa với cảnh quan chung. “Chúng tôi luôn giải quyết linh hoạt trên cơ sở phù hợp với cảnh quan chung chứ không phải tùy tiện”, ông Ngọc nói.
Ngày 10-11-2010, Thành ủy Đà Nẵng thêm lần nữa chỉ đạo UBND thành phố thực hiện xử lý tình trạng đất rẻo, đất đầu thừa đuôi thẹo, có chủ và vắng chủ. Thực hiện chỉ đạo này, UBND thành phố đã giao cho Sở Xây dựng phối hợp với các công ty, các Ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện tiến hành tổng rà soát, tổng hợp toàn bộ diện tích đất rẻo (đất còn lại sau khi giải tỏa, xây dựng hạ tầng) trên địa bàn thành phố để lập thủ tục chuyển quyền sử dụng.
“Hiện Sở Xây dựng đã triển khai thực hiện hợp thức sử dụng đất rẻo với nguyên tắc diện tích đất rẻo dưới 30m2 có hình dạng không cân đối sẽ ưu tiên chuyển quyền sử dụng cho các hộ liền kề để ghép thửa nhằm bảo đảm kiến trúc cảnh quan đô thị. Diện tích đất rẻo từ 30-50m2 thì ưu tiên chuyển quyền cho hộ giải tỏa đi hẳn nay có nhu cầu mua lại. Nếu hộ đó không có nhu cầu mua lại thì chuyển quyền sử dụng cho hộ khác. Trường hợp diện tích đất rẻo trên 50m2 thì chuyển quyền sử dụng đất theo quy hoạch”, ông Trương Văn Ngọc cho biết). |
Theo Sở Xây dựng, hiện thành phố có 20 đầu mối quản lý đất song hiện chỉ có 10 đơn vị có báo cáo điều tra, rà soát tổng diện tích đất rẻo. Do đó, UBND thành phố vừa có công văn đôn đốc đối với UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, các đơn vị khác như Ban Quản lý các dự án phát triển đô thị, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng- Xây lắp và Kinh doanh nhà, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà, Công ty Phát triển đô thị và khu công nghiệp. Chủ tịch UBND thành phố đã giao hẹn các đơn vị trên thực hiện báo cáo hạn cuối ngày 28-2-2011. Được biết trong năm 2010, Sở Xây dựng đã tham mưu đề xuất UBND thành phố hợp thức hóa chuyển quyền sử dụng đất rẻo cho 43 trường hợp. Hiện quy trình xử lý hợp thức hóa đất rẻo quy về một đầu mối do Công ty Quản lý và khai thác đất thực hiện, song đều có sự tham gia, rà soát kiểm tra xác minh của nhiều đơn vị liên quan.
Xử lý tốt tình trạng đất rẻo sẽ góp phần chống tình trạng xây dựng nhà ở siêu mỏng, siêu méo trong đô thị. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là cần thực hiện có hiệu quả công tác lập quy hoạch. Đó là quy hoạch và quản lý đồng bộ, hài hòa, đáp ứng yêu cầu về không gian đô thị. Trước hết, khi lập đồ án quy hoạch phải thật kỹ lưỡng, chính xác, kết hợp giữa bản đồ thửa đất và đo vẽ địa hình thực tế.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG