.

Đổ xô đi mua đất nông nghiệp

.
Không mua nổi nhà có sổ đỏ hoặc nhà chung cư, những người lao động nghèo ở Đà Nẵng đành đánh bài liều mua đất nông nghiệp giá rẻ để làm nhà “chui”.

Mô tả ảnh.
Một khu đất nông nghiệp trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam được rao bán với giá từ 100-150 triệu đồng/lô (khoảng 100m2).
 
Nợ vì mua đất nông nghiệp

Là địa phương có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng được xem như “miền đất hứa” của hàng vạn lao động đến từ các vùng quê nghèo mọi miền đất nước. Nắm được nhu cầu xây dựng gia đình và sở hữu “mảnh đất cắm dùi” của những người muốn định cư lâu dài ở Đà Nẵng, nhiều “cò” đất đã bắt tay với chủ đất tự ý quy hoạch đất nông nghiệp phân lô, bán nền với lời hứa lo luôn cả xây nhà. Chính vì thế, chưa bao giờ đất đai ở Liên Chiểu lại bị “băm nát” như hiện nay khi hàng trăm “cò” đất đua nhau treo biển bán đất ở  mọi ngõ ngách, khu nhà trọ công nhân và ở mọi tuyến đường ra vào trên địa bàn. Đặc điểm chung các lời rao quảng cáo của “cò” đất là hứa lèo: “Chỉ vài chục triệu là có thể sở hữu ngay một mảnh đất thổ cư để an cư lạc nghiệp”.
 
Nhiều người nghèo đã được “cò” đất rót mật vào tai và cứ thế bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua đất nông nghiệp để rồi ngậm ngùi ôm mảnh đất đầy cỏ mọc vì không thể xây được nhà với lý do đất nông nghiệp lại nằm trong vùng quy hoạch dự án. Cách đây 4 tháng, vợ chồng anh Bình (Quảng Nam) suýt nữa mất trắng cả trăm triệu đồng vì trót nghe theo lời mật ngọt từ “cò” đất. Anh Bình cho biết: “Giá thuê nhà ngày một đắt đỏ, hơn nữa thấy nhiều người ở quê đổ xô ra đây mua đất nông nghiệp nên tụi em cũng chạy vạy mượn tiền đánh liều mua một mảnh. Mặc dù trước lúc mua, “cò” đất có hứa sẽ bao luôn xây nhà, thế nhưng gần 3 tháng sau khi mua đất, nhà vẫn không xây được. Sốt ruột quá nên em đành bán thốc bán tháo chấp nhận lỗ gần 50 triệu đồng”.

Trong vai một lao động nhập cư có nhu cầu mua mảnh đất nhỏ, chúng tôi đã được một “cò” đất tên Long có số điện thoại 0919.359… hẹn gặp tại một quán cà-phê trên đường Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam để đi coi đất đẹp. Vậy nhưng trước khi lên đường, “cò” Long tuyên bố: “Loại vài chục triệu/lô thì phải đi vào sâu vài cây số, còn loại trên 150 triệu đồng/lô thì gần hơn. Muốn xem loại nào?”. “Muốn xem cả hai”, tôi trả lời. Theo chân “cò” Long, chúng tôi đi sâu vào con kiệt nằm trên tuyến đường Phạm Như Xương thuộc địa bàn phường Hòa Khánh Nam để xem lô đất nằm heo hút, mọc đầy cỏ, mênh mông không một bóng nhà nhưng đã được “cò” phân thành nhiều lô rộng 5x20m trị giá 120 triệu đồng/lô. “Đây là đất ruộng chứ có phải đất thổ cư đâu?” –  tôi hỏi. Long đáp: “Thì nói thế thôi. Muốn mua thì mua nhanh kẻo mấy ngày nữa hết. Thủ tục chỉ có giấy tờ viết tay. Ở đây nhiều người cũng mua như vậy”. Nhìn khu đất trống rộng ngút tầm mắt, tôi cắc cớ hỏi thêm: “Sao chẳng thấy ai xây nhà nhỉ?”, lúc này “cò” ngắc ngứ: “Ừ… thì họ chưa có tiền thôi. Cứ mua đi, bảo đảm mà!”. Rời khu vực này, “cò” Long dẫn chúng tôi đến một khu vực khác cũng nằm trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam. Tại đây “cò” Long cho biết khu vực này là “khu dân cư mới”, hơn nữa nằm gần đường lớn nên giá một lô đất được rao bán từ 140 - 180 triệu đồng với diện tích ngang 4-5m, dài 15-20m. Cả hai khu đất mà “cò” Long dẫn chúng tôi xem vẫn còn hàng trăm lô đất án binh bất động, không hề thấy một ngôi nhà nào. Thấy lạ, chúng tôi lại hỏi: “Sao không thấy ai xây nhà nhỉ?”, lúc này thì “cò” Long ấp úng: “Thì ông cứ mua đi, từ từ tôi sẽ tìm cách lo cho ông xây nhà” (!?).

Khó ngăn bán đất ruộng?

Mặc dù đã có hàng trăm trường hợp bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua đất nông nghiệp đành phải ngậm ngùi ôm đất và ôm nợ vào thân, thế nhưng không hiểu sao hằng ngày ở những khu đất nông nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu vẫn không ít người dân nghèo được “cò” dẫn đến xem đất. Vậy một câu hỏi được đặt ra: Tại sao chính quyền địa phương không ngăn việc người dân bán đất nông nghiệp? Về vấn đề này, ông  Phan Châu Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết: Hiện trên địa bàn còn khoảng 4 héc-ta đất nông nghiệp, phần lớn diện tích nằm trong khu vực quy hoạch các dự án.
 
Tuy nhiên, do dự án chậm triển khai dẫn đến việc người dân có đất thấy lợi về kinh tế nên bán qua tay, vì vậy rất khó ngăn chặn tình trạng này. “Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng quy tắc quận tiến hành kiểm tra các khu vực đất nông nghiệp trên địa bàn. Sau khi phát hiện nhiều khu đất nông nghiệp đã được cắm cọc phân lô, chính quyền địa phương đã tiến hành tháo dỡ các cọc tre tại những khu đất này. Đồng thời, nếu phát hiện trường hợp nào xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp sẽ xử lý tháo dỡ ngay”, ông Tuấn nói. Nói là vậy nhưng người dân vẫn bán đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương có biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng trên?

Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.