.

Mua nhà trong vùng quy hoạch: Coi chừng trắng tay!

.
Không biết tin đồn xuất phát từ đâu về việc sắp tới một phần của xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) được sáp nhập về thành phố Đà Nẵng, hàng trăm người dân ở Đà Nẵng đã chạy vay tiền để mua nhà đất ở thôn Câu Hà, xã Điện Ngọc. Thế nhưng người dân không biết rằng, căn nhà mà họ mua được xây dựng trong vùng quy hoạch.

Mô tả ảnh.
Hàng trăm ngôi nhà xây dựng trái phép tại thôn Câu Hà, xã Điện Ngọc.                          
 
Con đường dẫn vào thôn Câu Hà (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chỉ cách địa phận thành phố Đà Nẵng vỏn vẹn vài trăm mét, tuy mới còn là con đường cát, trước đây là cả một bãi trồng bắp, đậu phụng, giờ ngỡ ngàng khi nhìn thấy hàng trăm ngôi nhà xây mới. Cảm giác như cả một đại công trường xây dựng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, những ngôi nhà đã xây xong đều cửa đóng then cài, không một bóng người ở và đằng trước căn nhà đều treo biển bán nhà hoặc cho thuê. Anh T., một người dân ở Đà Nẵng vừa mua căn nhà cấp 4 tại thôn này cho biết: “Đất ở thành phố thì lấy tiền đâu mua nổi, thôi thì đành liều vô đây mua vậy. Nghe đâu khu vực này cũng sắp được sáp nhập về Đà Nẵng rồi. Mua nhà ở đây cũng lo mất ăn, mất ngủ, sợ chính quyền địa phương đến đập nhà thì cả gia tài nhà tôi tiêu tan”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng trăm ngôi nhà xây dựng trái phép tại thôn Câu Hà phần lớn được người Đà Nẵng mua đất của các hộ dân ở đây. Thấy đất ở đây giá rẻ, hơn nữa lại nằm giáp ranh với thành phố Đà Nẵng nên họ mua rồi bỏ tiền làm nhà và bán lại kiếm lời. Trong vai một người đi tìm mua nhà tại thôn Câu Hà, thấy chúng tôi chăm chú ngắm những ngôi nhà mới xây, một thanh niên tự xưng tên Hoàng đến hỏi: “Anh muốn mua nhà như thế nào, diện tích bao nhiêu, nhà cấp 4 hay đổ mê?”. Khi chúng tôi nói tìm mua một mảnh đất rộng, có sân vườn, Hoàng lập tức dẫn tới một mảnh đất được xây rào kín, phía trước là một cổng trụ lớn như của một biệt thự, tuy nhiên bên trong chỉ là một căn nhà cấp 4 với hai phòng nằm lọt thỏm phía trong. “Đây là chỗ rộng nhất rồi anh, diện tích gần 600m2 giá 600 triệu!”.
 
Khi hỏi đã có sổ chưa thì Hoàng bình thản: “Nếu có sổ đâu có giá đó anh, chỉ có giấy tờ viết tay thôi. Đất ở đây phần lớn là người Đà Nẵng mua hết rồi phân lô và làm nhà ra bán”. Tiếp tục giới thiệu những ngôi nhà khác đều có giá từ 200 - 300 triệu đồng, chúng tôi đều nhận được câu trả lời bán đất chủ yếu là giấy viết tay, không có một chứng thực nào của chính quyền địa phương. Sau một hồi lấy cớ cần xem xét mới quyết định, chúng tôi tiếp tục “mục kích” những ngôi nhà mới được xây ở đây. Hơn một trăm ngôi nhà cấp 4 được xây dựng sơ sài, những tấm tôn mỏng dính bám trên những cây xà bằng cổ tay, chỉ cần một trận gió lớn cũng thổi tung cả mái nhà.

Không hiểu sao khu đất tại thôn Câu Hà nằm trong quy hoạch nhưng hàng trăm ngôi nhà ở đây vẫn được xây dựng lên? Về vấn đề này, ông Trần Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc cho biết: “Tôi cũng đang đau đầu với tình trạng này đây, hơn 150 trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp gây nhức nhối trên địa bàn. Khu vực này nằm trong vùng quy hoạch dự án Làng Đại học của thành phố Đà Nẵng, thế nhưng đến giờ vẫn là quy hoạch “treo”. Chính vì thế, “cò” đất đến đây “phỉnh” người dân bán đất hoang, đất sản xuất để xây nhà trái phép, kể cả những cán bộ, công chức cũng mua đất ở đây rồi thản nhiên xây nhà trái phép. Trong 150 trường hợp xã xác định được thì có 130 trường hợp là ở Đà Nẵng qua đầu cơ”.
 
Cũng theo ông Nghĩa, tình trạng xây nhà trái phép bắt đầu từ năm 2010, xã đã lập biên bản gần 100 trường hợp xây nhà trái phép và xử phạt 2 triệu đồng/trường hợp, nhưng không thể ngăn chặn được tình trạng này. Có kỳ cứ thứ bảy, chủ nhật, ở thôn Câu Hà có 10 đến 20 ngôi nhà được xây mới hoàn toàn (!?). “Hiện tại khó khăn của chúng tôi là không có đủ người, đủ thẩm quyền để giải quyết triệt để tình trạng trên. Xã đã báo cáo với huyện để có biện pháp xử lý tháo dỡ những căn nhà xây trái phép tại khu vực này trong thời gian tới”, ông Nghĩa khẳng định.

Trong khi chờ đợi thì mỗi ngày những ngôi nhà trái phép vẫn ngang nhiên mọc lên như nấm sau mưa. “Cò” đất tiếp tục mua đất sản xuất giá rẻ của người dân ở đây với tờ giấy viết tay, rồi “phù phép” lên giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Như vậy, những người dân nghèo mua nhà ở đây rất có thể sẽ rơi vào tình trạng tiền mất, nhà bị đập.

Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.