.

Vì một thành phố văn minh, hiện đại

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2008/QĐ-TTg ngày 4 tháng 11 năm 2010 chọn ngày 27 tháng 4 hằng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam nhằm ghi nhận sự đóng góp của những người làm công tác kiến trúc, quy hoạch trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước tiến lên văn minh, hiện đại ngày nay. Năm đầu tiên kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam, Báo Đà Nẵng giới thiệu bài viết của KTS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) thành phố Đà Nẵng về vấn đề này.

Thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, trong những ngày cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra khốc liệt, ngày 27 tháng 4 năm 1948, tại Thản Sơn - Lạc Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) một nhóm KTS, mà hầu hết được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám, đang làm việc nhiều nơi ở vùng tự do và chiến khu Việt Bắc đã tiến hành Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam - tiền thân của Hội Kiến trúc sư hiện nay. Tại hội nghị này, Bác Hồ đã gửi thư động viên, Người viết:

“Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là việc rất quan hệ. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công”.

Bác khẳng định vai trò quan trọng của Kiến trúc, và nghề KTS trong đời sống xã hội “Việc kiến trúc là việc rất quan hệ”. Kiến trúc gắn bó với cuộc sống mỗi người, mỗi gia đình. Kiến trúc tạo dựng bộ mặt của đô thị và thể hiện sự phát triển về kinh tế-xã hội của thành phố, của đất nước.

Những năm đầu của thế kỷ 20, nước ta chưa có KTS. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, đội ngũ KTS mới chỉ có khoảng 50 người, chủ yếu tốt nghiệp tại Trường Mỹ thuật Đông Dương trước đây. Họ là những KTS đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ thời đó. Họ trở thành lực lượng quan trọng trong công cuộc kiến thiết đất nước. Sự ra đời của Đoàn KTS Việt Nam vào ngày 27-4-1948 đã thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược của Bác Hồ vĩ đại.

Thời đó, bằng những vật liệu thô sơ như tranh, tre, nứa, lá, những công trình phục vụ kháng chiến như trụ sở Ủy ban Hành chính, nhà thông tin, khu nhà họp Đại hội Đảng, nhà ở… là những nền tảng đầu tiên cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam chúng ta…

Cùng với sự phát triển của đất nước, ngày nay lực lượng KTS nước ta đã lên đến 15.000 người. Hội KTS Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp lớn mạnh, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy. Tất cả đều miệt mài lao động sáng tạo nên nhiều thành phố hiện đại với nhiều nhà cao tầng, nhiều khu đô thị mới với nhiều công trình kiến trúc đẹp đáp ứng được nhu cầu xây dựng phát triển của đất nước. Nhiều KTS và sinh viên Kiến trúc đã đạt được những giải thưởng quốc tế, quốc gia… Chưa bao giờ vị thế của Kiến trúc, KTS và Hội KTS được xã hội ghi nhận như ngày hôm nay.

Sau hơn 13 năm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã hình thành và phát triển các khu đô thị mới với quy mô lớn như khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị quận Sơn Trà, khu đô thị phía Đông Nam - Ngũ Hành Sơn, khu đô thị Khuê Trung - Hòa Cường, khu đô thị Cẩm Lệ phía Nam thành phố, với nhiều công trình kiến trúc được thiết kế xây dựng có chất lượng, góp phần tạo ra diện mạo mới cho thành phố. 

Đà Nẵng là thành phố trẻ mới phát triển, số lượng công trình có quy mô lớn trong đô thị tuy chưa nhiều, nhưng cũng thể hiện được những hiệu quả nhất định về xu hướng phát triển kiến trúc cho thành phố. Phong cách kiến trúc hiện đại kết hợp với ngôn ngữ tạo hình đơn giản đang trở thành một xu hướng tích cực. Đặc biệt tạo được ấn tượng cho du khách. Những thành tựu đạt được của Đà Nẵng trong những năm qua đều có sự đóng góp bằng sự lao động sáng tạo của các KTS đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh sự phát triển của thành phố, Hội KTS Đà Nẵng cũng không ngừng lớn mạnh, với khoảng 450 KTS đang lao động sáng tạo trên địa bàn thành phố. Hội KTS Đà Nẵng cũng đã có những công trình đạt được giải thưởng kiến trúc quốc gia như: Cung Thể thao Tiên Sơn, Công viên phần mềm, cảnh quan đường Bạch Đằng Tây... Đặc biệt, nhiều KTS được đào tạo tại chính các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Duy Tân và Đại học Kiến trúc Đà Nẵng… bước đầu cũng đã có sự đóng góp nhất định cho sự nghiệp phát triển nhân lực kiến trúc của thành phố. Những sinh viên kiến trúc cũng đã có những giải thưởng như giải nhất Loa Thành của sinh viên khoa Kiến trúc Trường Đại học Duy Tân.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn của Đà Nẵng, mỗi KTS đang sinh sống và làm việc trên địa bàn cần xác định phải luôn miệt mài phấn đấu để tiếp tục góp phần tạo dựng cho nền kiến trúc của thành phố ngang tầm với các thành phố lớn trong nước và khu vực.

Ngày 27-4 hằng năm là ngày hội của các KTS, ngày hội của những nhà quản lý quy hoạch xây dựng, những doanh nghiệp… những người đang ngày đêm sát cánh cùng KTS để tạo nên những tác phẩm tốt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Ngày Kiến trúc Việt Nam là dịp để tôn vinh các tài năng kiến trúc, để khuyến khích động viên họ sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp kiến trúc của đất nước.

Kỷ niệm ngày Hội của giới kiến trúc cũng là dịp để chúng ta ôn lại những lời dạy của Bác Hồ, đề cao niềm tự hào cũng như nhận thức trách nhiệm nặng nề trước xã hội của Hội KTS, của từng cá nhân KTS. Qua đó, mong rằng kiến trúc Đà Nẵng tiếp tục phát triển và những KTS, những nhà quản lý quy hoạch kiến trúc, những người làm công tác đào tạo, các bạn sinh viên kiến trúc, các nhà đầu tư và những người đang ngày đêm sát cánh bên cạnh giới Kiến trúc tiếp tục lao động không mệt mỏi để cống hiến nhiều hơn nữa cho nền Kiến trúc của Việt Nam nói chung và của thành phố nói riêng, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng sớm trở thành một “thành phố đáng sống”.

NGUYỄN NGỌC TUẤN
Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.