.

Không gian biển và lợi ích cộng đồng

.
Ngay từ những năm đầu lập quy hoạch phát triển đô thị, không gian công cộng ven biển được chính quyền thành phố Đà Nẵng và giới khoa học quan tâm. Với sự bùng nổ về các loại hình kinh tế du lịch, bất động sản... diện tích ven biển bị thu hẹp. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn còn giữ lại và đầu tư phát triển không gian công cộng ven biển rất quy mô.

Mô tả ảnh.
Công viên Biển Đông là không gian lý tưởng cho nhân dân và du khách.
 
Lo mất không gian ven biển

Không gian ven biển được coi là tài nguyên thiên nhiên ban tặng cho con người và hiển nhiên ai cũng được có quyền thụ hưởng. Thế nhưng những lợi ích ấy khó tìm lời giải hài hòa khi yêu cầu phát triển kinh tế đang ngày càng gia tăng, không gian ven biển trở thành nguồn tài nguyên chỉ dành cho những dự án phát triển du lịch như resort, bất động sản... Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nói, việc phát triển đô thị, khu nghỉ mát ven biển là điều tất yếu và là vấn đề kinh tế của đất nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, do thiếu quản lý mà không gian ven biển được quy hoạch manh mún, sử dụng chưa thật sự hiệu quả. TS - KTS Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, bày tỏ thái độ lo ngại: Biển miền Trung vừa dài vừa đẹp nhưng do thiếu tầm nhìn trong quy hoạch đầu tư phát triển nên việc khai thác không gian ven biển trở nên lộn xộn, nhà đầu tư ào ạt chiếm dụng trở thành tài sản riêng, làm mất không gian công cộng ven biển. Lo ngại nữa là tình trạng lấn biển, lấp biển gây nguy cơ mất cân bằng sinh thái. Kế đến là đua nhau lập dự án quy hoạch cảng biển mà thiếu sự liên kết và xây dựng tầm nhìn trước những biến đổi khí hậu.

KTS Hoàng Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 10 năm trở lại đây, các dải đất ven biển miền Trung đã được các nhà đầu tư khai thác như thiên về chia lô manh mún, hình thức kiến trúc nặng nề. KS Hồ Duy Diệm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng, việc để các nhà đầu tư cát cứ, chiếm dụng không gian ven biển hiện nay đã làm cho người dân địa phương và du khách khó tận hưởng không gian ven biển, kể cả việc tắm và ngắm biển nếu không có nhiều tiền.

Phải hài hòa lợi ích

Đà Nẵng cũng cuốn vào sự bùng nổ về đầu tư các loại hình kinh tế du lịch, bất động sản... làm cho không gian ven biển bị thu hẹp. Tuy nhiên Đà Nẵng vẫn còn giữ lại và đầu tư phát triển không gian công cộng ven biển mà đến thời điểm này, Đà Nẵng không phải cuống cuồng như một số địa phương ven biển miền Trung mỗi ngày một mất đi không gian này.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố khẳng định, thành phố Đà Nẵng đã và đang nỗ lực hành động để bảo đảm công bằng về không gian biển, hài hòa lợi ích ven biển. Cụ thể, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 10 bãi tắm công cộng, trong đó có nhiều bãi tắm công cộng phát huy hiệu quả như bãi tắm Phạm Văn Đồng, Thanh Khê, Sao Biển. Cùng với đó, hệ thống công viên ven biển cũng được hình thành mà điển hình là công viên Biển Đông được đầu tư đồng bộ, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và sinh hoạt cộng đồng như picnic, cắm trại, thể thao trên bờ và dưới nước...
 
Ở khía cạnh khác, việc hưởng thụ cảnh quan ven biển đã được thành phố Đà Nẵng tổ chức thiết kế quy hoạch gây bất ngờ cho người cảm thụ. Về mặt tổ chức không gian có đóng, có mở, lúc ẩn, lúc hiện rất hợp lý. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, sự khắt khe khi đánh giá thiết kế quy hoạch ven biển luôn cần thiết nhưng những gì Đà Nẵng đang làm sẽ tạo một nét riêng với các địa phương khác. Trên tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa đoạn từ bán đảo Sơn Trà đến đường Hồ Xuân Hương, việc quy hoạch một vài đoạn có công trình ven biển đã làm phong phú thêm cho hiệu quả cảm thụ, tiện ích sinh hoạt cộng đồng. Đã vậy, mật độ xây dựng cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả cảnh quan của tuyến ven biển này. Việc đóng mở không gian ven biển tạo nên những điểm nhìn rất thú vị trên toàn tuyến. Đà Nẵng cũng có những tuyến đường xa bãi biển, để ai đó hoài niệm về biển mà nghe tiếng sóng biển từ xa vọng về. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, quy hoạch vùng ven biển Đà Nẵng bảo đảm thuận lợi cho môi trường phát triển du lịch và lợi ích cộng đồng.

Tuy vậy, Đà Nẵng vẫn chưa phải là hình mẫu về quy hoạch và tổ chức không gian ven biển. KTS Hoàng Quang Huy chia sẻ: Cần phải biết chắt chiu, dè sẻn và quản lý nghiêm ngặt mọi sự khai thác biển và bờ biển.
 
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
;
.
.
.
.
.