Đón nhận những tín hiệu tích cực từ việc nới lỏng chính sách tín dụng, mở cửa cho 4 nhóm ngành ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất được vay vốn ngân hàng (NH), thị trường bất động sản (BĐS) nói chung được coi là có thêm cơ hội để phá vỡ sự “ảm đạm” cuối năm 2011 và năm 2012. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư (NĐT) cho biết vẫn rất khó để tiếp cận nguồn vốn từ NH.
Theo nhận định của giới kinh doanh BĐS, năm 2012, thị trường BĐS khó có thể phá vỡ sự “ảm đạm”. |
Vào giữa tháng 11-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Văn bản số 8844/NHNN-CSTT về hoạt động tín dụng trong các tháng cuối năm 2011. Một trong những nội dung quan trọng của văn bản này chính là việc xem xét nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực BĐS một cách cụ thể hơn; đồng thời đưa một số hạng mục BĐS “thoát” ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất. Đón nhận thông tin mới này, thị trường BĐS được coi là có thêm cơ hội để phá vỡ sự “ảm đạm” trong cuối năm 2011 và năm 2012. Tuy nhiên thực tế, đối với NĐT trên địa bàn thành phố, vay vốn BĐS trong thời điểm hiện nay vẫn khó như “tìm kim đáy biển”. Nhiều nhà đầu tư còn tỏ ra lo ngại, với tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay, bước sang năm 2012, chưa chắc đã vay được vốn NH cho BĐS.
Ông Đỗ Khương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại nhà đất (quận Liên Chiểu) cho biết: “Tôi đã nghe khá nhiều thông tin về việc NH sẽ nới lỏng hơn đối với vay BĐS, nhưng thực sự ở thời điểm hiện tại, gần như NĐT không thể nào vay vốn BĐS ở NH. Trong trường hợp cần vốn, ngoài huy động tiền của người thân, chúng tôi phải chấp nhận khả năng vay “nóng” trên thị trường tự do để giữ đất chờ thị trường BĐS có thể phục hồi vào năm 2012. Tuy nhiên, hy vọng này thật quá mong manh vì đến thời điểm này, hầu như thị trường BĐS trên địa bàn vẫn chưa “động đậy”, giao dịch rất thưa thớt. Ngay cả khi nhiều hạng mục BĐS thoát khỏi lĩnh vực phi sản xuất đang bị siết chặt thì đối với những NĐT nhỏ như chúng tôi gần như cũng không mấy khả quan. Vì hầu hết chúng tôi không đầu tư cho hạng mục này”.
Sau khi văn bản trên của NHNN có hiệu lực, từ trạng thái gần như “đóng băng”, lác đác một vài NHTM bắt đầu mở lại tín dụng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vay vốn mua, sửa chữa nhà ở. Đi đầu trong xu hướng “mở cửa” là NHTMCP An Bình (ABBank) với chương trình “Dễ dàng vay vốn - Sở hữu căn nhà mơ ước”, hỗ trợ cho các khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công vay vốn để sửa chữa, mua nhà - đất để ở.
Theo ABBank, chương trình này giúp khách hàng, đặc biệt là cán bộ, công nhân viên chức, nhân viên văn phòng - những người có khoản thu nhập hằng tháng đều đặn, có được nguồn vốn vay để trang trải cho chi phí mua mới, hoặc xây sửa nhà, chuẩn bị cho một năm mới đang tới gần. Tiếp đó là NHTMCP Đại Dương (OceanBank) cũng tung ra chương trình cho vay mua nhà dự án với lãi suất đặc biệt ưu đãi xuống tới 19%/năm kèm hàng loạt ưu đãi về giá trị, thời hạn trả nợ vay.
Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, ở thời điểm hiện tại, để tiếp cận được nguồn vốn vay mua nhà đất không hề đơn giản. Giải thích về vấn đề này, giám đốc một NHTMCP cho rằng, mặc dù đã có cơ chế thoáng đối với tín dụng BĐS, song không phải NH nào cũng đủ điều kiện để cho vay đối với lĩnh vực BĐS. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thanh khoản các NH gặp khó, không phải NH nào cũng có sẵn tiền để tung ra thị trường cho các khoản vay BĐS. Chỉ có một số NH lớn hoặc NH huy động vốn tốt mới có thể triển khai được chủ trương này. Nhưng ngay cả với những NH “rủng rỉnh” tiền, chuyện cho vay đối với các dự án BĐS cũng không dám “mạnh tay” như những năm trước, khi hệ quả của việc cho vay tràn lan trước đây đến giờ vẫn chưa khắc phục được.
Bài và ảnh: Duyên Anh