.

“Phá băng” thị trường bất động sản

.

Năm 2013, những nỗ lực làm “tan băng” của thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục được thực hiện. Tại Đà Nẵng, ngoài việc mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội, người mua nhà chung cư được chỉ mua ở dự án nào và được chỉ ngân hàng để vay tiền.

Năm 2013, loại hình nhà ở chung cư sẽ được chào bán và hỗ trợ vay vốn thanh toán.
Năm 2013, loại hình nhà ở chung cư sẽ được chào bán và hỗ trợ vay vốn thanh toán.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết rót gói tín dụng 4.800 tỷ đồng để các doanh nghiệp (DN) ở Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn về vốn vay, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, có 6 DN đề xuất vay, cụ thể là Tập đoàn Sun Group vay 2.500 tỷ đồng, Trung Nam Group vay 1.800 tỷ đồng, Công ty Đà Nẵng Miền Trung vay 600 tỷ đồng, Công ty CP Đức Mạnh vay 500 tỷ đồng, Công ty CP Bắc Nam 79 vay 300 tỷ đồng, Công ty CP Khởi Phát vay 300 tỷ đồng... Nguồn vốn vay này để DN triển khai đầu tư và thi công hạ tầng đô thị như các tuyến đường, khu đô thị, nhà ở xã hội, sân golf...

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng nút nghẽn của nền kinh tế hiện nay là thị trường BĐS, bởi BĐS đang chi phối 86% sản phẩm ngành nghề liên quan. Vì thế, BIDV cam kết đổ vốn vào Đà Nẵng 3.000 tỷ đồng để các DN vay xây dựng và cho người dân vay để mua nhà. Đây thực sự là “cú huých” cho thị trường BĐS tại thành phố.

Theo chủ trương của UBND thành phố, ngoài việc bảo đảm quỹ nhà ở phục vụ giải tỏa, tái định cư, bố trí chỗ ở cho hộ gia đình chính sách, người lao động nghèo thì sẽ bán một lượng lớn quỹ nhà ở xã hội do ngân sách thành phố đầu tư và dự án do DN đầu tư.

Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết việc cần thiết hiện nay là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội để tăng thêm nguồn cung ra thị trường. “DN rất cần vốn vay để triển khai dự án nhưng chính quyền thành phố cũng cần vốn. Năm 2012, qua 6 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, ngân sách thành phố mới đáp ứng 501 tỷ đồng nên cần thêm số vốn vay 988 tỷ đồng để hoàn thành dự án”, ông Hùng giải thích.

Cũng theo ông Hùng, phải nhanh chóng tạo điều kiện cho DN đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn để đẩy nhanh tiến độ, giảm giá bán căn hộ. Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND thành phố mở rộng diện đối tượng mua chung cư thu nhập thấp, cho phép nhà đầu tư bán căn hộ cho đối tượng có nhu cầu nhà ở ngoài diện do UBND thành phố phê duyệt danh sách. Đối tượng là công nhân có gia đình cũng được tiếp cận nhà ở xã hội để ổn định đời sống.

Chủ trương bán căn hộ chung cư tại các dự án nhà ở xã hội của Sở Xây dựng được UBND thành phố đồng ý. Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc- Quy hoạch cuối năm 2012, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng phải lập phương án triển khai. Ngoài các quy định về đối tượng mua nhà ở xã hội, mức giá phù hợp, phải chỉ ra được cho người mua nhà chung cư biết mua ở dự án nào và cơ bản là chỉ ra được ngân hàng nào cho vay tiền để mua nhà. Bên cạnh việc được tạo điều kiện vay vốn mua nhà ở, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức cũng được xem xét hỗ trợ mua nhà theo các hình thức linh hoạt như thanh toán nhiều lần.

Với những đề xuất bán nhà ở xã hội đến đối tượng có nhu cầu nhà ở được đánh giá là vừa bảo đảm chủ trương an sinh xã hội, vừa góp phần “phá băng” BĐS tồn tại thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng nên hỗ trợ người có nhu cầu về nhà ở được vay vốn để tiếp cận thị trường BĐS hơn là theo chủ trương “đổ vốn” vào DN mà thiếu kiểm tra, giám sát thì nguồn vốn ấy lại sử dụng không đúng mục đích. Bên cạnh đó, giải cứu thị trường BĐS là phải kích cầu, tiêu thụ sản phẩm từ các lĩnh vực kinh tế khác như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất...

Bài và ảnh: TRIỆU VĂN
 

;
.
.
.
.
.