Trong khi cả Tổng thống Bush và Tổng thống Nga Putin đang hy vọng sẽ có những kết quả tốt đẹp trong cuộc gặp tại khu nghỉ mát ở Sochi bên bờ biển Đen, để cải thiện mối quan hệ vốn đang căng thẳng do một loạt vấn đề từ lá chắn tên lửa tới Kosovo và việc mở rộng NATO thì một tuyên bố mới đây của Ba Lan đã đẩy vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ có thể lún sâu hơn vào căng thẳng.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói rằng, nước này sẽ không nhất trí cho phép các chuyên gia quân sự Nga thường trực tại căn cứ tên lửa mà Mỹ dự định thiết lập trên lãnh thổ Ba Lan. Tuyên bố mới này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch đàm phán sắp tới của ông Bush và ông Putin.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski (trái) đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice về vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ trong một cuộc gặp ở Nhà Trắng. |
Ý tưởng cho phép Nga giám sát các căn cứ tên lửa phòng thủ của Mỹ tại Đông Âu là một trong những đề xuất do Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đưa ra trong các cuộc hội đàm với những người đồng cấp Nga tại Moscow hôm 18-3. Tuy nhiên, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói rằng: “Chúng tôi sẽ không cho phép các sĩ quan quân sự Nga thường trực tại căn cứ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan, song họ sẽ được phép tiến hành các cuộc thanh sát và giám sát tạm thời”.
Dẫu vậy, ông Radoslaw Sikorski cũng nhắc lại rằng, Ba Lan vẫn chưa quyết định liệu có cho phép Mỹ đặt căn cứ tên lửa phòng thủ trên lãnh thổ Ba Lan hay không. Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng thúc đẩy tiến trình này song chỉ sau khi đạt được nhất trí với Mỹ về một số điều kiện mà tôi không muốn tiết lộ”.
So với nội các của cựu Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski, Chính phủ mới của Thủ tướng Donald Tusk có thái độ thận trọng hơn với kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ. Ông Sikorski nói rằng, Ba Lan sẽ không chia sẻ chi phí xây dựng căn cứ tên lửa với Mỹ. Theo đề xuất ngân sách năm 2009, Tổng thống Bush đã yêu cầu 96 triệu USD cho việc phát triển các lá chắn tên lửa, 382,6 triệu USD cho việc triển khai lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, cũng như 241 triệu USD cho việc xây dựng hệ thống ở hai nước này.
Theo chính quyền Bush, dự định triển khai 10 tên lửa đánh chặn của Mỹ tại Ba Lan và một trạm radar ở Cộng hòa Séc nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Iran cũng như “các quốc gia thù địch” khác. Tuy nhiên, Nga coi những kế hoạch này là nhân tố làm bất ổn châu Âu và đe dọa an ninh quốc gia Nga. Các nhà phân tích cho rằng, dường như cả Nga và Mỹ đang xem xét xu thế chính trị ở phía trước để tính toán thỏa hiệp vào lúc này có tốt hơn hay không, hay là họ nên ra vẻ hòa giải trong khi vẫn vờn nhau để chờ thời cơ.
Moscow có thể tính toán rằng dù người kế nhiệm ông Bush là ai đi nữa thì Tổng thống mới có lẽ sẽ sẵn sàng đưa ra nhiều nhượng bộ hơn so với ông Bush. Washington cũng có thể hy vọng về những khả năng đàm phán mới sau này mà Tổng thống mới đắc cử Dmitry Medvedev sẽ nhượng bộ nhiều hơn so với ông Putin.
Biên dịch: Băng Châu.