Cuối tuần qua, tại trụ sở LHQ ở Áo, nơi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hội đàm với lãnh đạo các quốc gia về cách thắt chặt quan hệ giữa LHQ và EU, ông Ban lại một lần nữa tuyên bố, giá lương thực tăng vọt đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu và tổ chức này cùng các thành viên cộng đồng quốc tế cần có hành động ngay lập tức.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi quốc tế hỗ trợ thêm 755 triệu USD cho Chương trình lương thực thế giới. (Ảnh: Reuters) |
Ông Ban cho biết: “Giá lương thực leo thang và đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu thật sự”. Theo ông Ban, hiện nay, Chương trình lương thực thế giới (WFP) của LHQ đang kêu gọi các nước giàu, các tổ chức quốc tế hỗ trợ khẩn cấp thêm 755 triệu USD. “LHQ đặc biệt quan tâm tới mọi thành viên của cộng đồng quốc tế. Chúng ta phải có hành động tức thời theo một cách có phối hợp”. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi lãnh đạo quốc tế cùng bàn thảo cách cải thiện hệ thống phân phối kinh tế và thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.
Kể từ năm ngoái, ước tính giá lương thực đã tăng 40%. Việc giá cả leo thang đã gây ra các cuộc biểu tình và bạo động ở nhiều quốc gia, trong đó có Ai Cập, Bờ biển Ngà, Ethiopia, Philippines và Indonesia. Tại Haiti, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực, khiến nhiều người chết và chính phủ sụp đổ. Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Ai Cập đã hạn chế xuất khẩu gạo. Các nước nhập khẩu như Bangladesh, Philippines và Afghanistan đã và đang bị ảnh hưởng mạnh. Lãnh đạo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) Jacques Diouf cho rằng, các nỗ lực tức thời cần tập trung vào việc giúp đỡ nông dân tại các quốc gia đang phát triển làm nhiều vụ mùa.
Trong khi đó, bà Jossette Sheeran, giám đốc điều hành WFP đã ví giá lương thực tăng giống sóng thần đồng thời đề nghị viện trợ lương thực cho các nước không thể chống đỡ với giá tăng. Bà Sheeran cho hay, giá lương thực đã tăng gấp đôi kể từ tháng 3. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, tình trạng thiếu hụt lương thực có thể khiến 100 triệu người lâm vào cảnh khốn cùng, trong khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, hàng trăm nghìn người có thể bị chết đói. Tổ chức FAO cũng cảnh báo, tình trạng nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã phải dùng tới nguồn lương thực dự trữ hoặc bị khủng hoảng lương thực phải chờ viện trợ từ bên ngoài. Theo FAO, trong năm 2007, giá lương thực toàn cầu đã tăng gần 40%, khiến đời sống người nghèo ngày càng khó khăn.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, các tổ chức quốc tế như FAO, IMF, WB đã đưa ra nhiều nhận định về tình trạng khan hiếm lương thực toàn cầu và những hệ lụy đối với các nước nghèo. Mặc dù thời điểm công bố khác nhau, nhưng bức tranh lương thực thế giới được các bản báo cáo mô tả, đều mang cùng một màu ảm đạm.
Gia Huy (Tổng hợp)