.

Hội nghị Thượng đỉnh NATO trước nguy cơ khủng hoảng

.

Từ ngày 2 đến 4-4, tại thủ đô Bucharest của Romania, Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ hứa hẹn nhiều tranh cãi quyết liệt về việc xin gia nhập khối của Ukraine và Georgia, vốn gây chia rẽ giữa 26 nước thành viên, đặc biệt là khách mời Nga.

Tổng thống Bush phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO

Hiện Nga vẫn đang là một trong những trở ngại lớn trên con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine. Moscow phản đối NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông khi mà 9 nước thuộc khối Xô viết cũ, giáp với biên giới Nga đã là thành viên NATO. Kết quả là Đức và Pháp đã lên tiếng phản đối Ukraine gia nhập NATO vì sợ căng thẳng với Nga, quốc gia cung cấp năng lượng chủ chốt cho châu Âu. Với vai trò trọng tài trong việc giải quyết cuộc khủng khoảng này, hôm 1-4, Tổng thống Mỹ George Bush đã bắt đầu chuyến công du ngoại giao tới Ukraine. Phát biểu nhân dịp chuẩn bị cho hội nghị cấp cao của NATO, Tổng thống Bush nói rằng, hai nước Ukraine và Georgia nên được mời xúc tiến các thủ tục để gia nhập NATO.

Trong chuyến công du này, ông Bush muốn để lại một ấn tượng tốt giống như cha ông đã làm năm 1991, đó là cảnh báo các nước cộng hòa về những nguy hiểm của “chủ nghĩa dân tộc tự sát”. Nhờ có cảnh báo của Bush-cha, bốn tháng sau, Ukraine tuyên bố độc lập. 17 năm sau, bản đồ địa lý - chính trị của Đông Âu lại trở thành ván bài lớn của NATO. Năm quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước kia là Albania, Croatia, Macedonia, Ukraine và Georgia hy vọng trong tuần này sẽ nhận được sự chấp thuận cho phép họ gia nhập khối Bắc Đại Tây Dương, tuy nhiên cơ hội của mỗi nước là rất khác nhau. 

Đối với Albani và Croatia, mọi việc dường như suôn sẻ. Hai nước cộng hòa Balkan chắc chắn có được câu trả lời khẳng định của 26 nước thành viên NATO là đồng ý chấp thuận đề nghị gia nhập và có thể sẽ trở thành thành viên của khối trong vòng 1 năm tới. Đối với Macedonia, vấn đề khá tế nhị do Hy Lạp không muốn nước này gia nhập NATO chừng nào chưa giải quyết xong tranh chấp kéo dài 17 năm nay liên quan đến tên gọi của quốc gia thuộc Nam Tư cũ. Trong khi đó, cơ hội xin gia nhập của Ukraine và Georgia là 50-50. Hiện đang là đối tác của “đối thoại tăng cường” với NATO, Kiev và Tbilissi yêu cầu chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đó là “kế hoạch hành động tiến tới gia nhập”. Trong khi đó, Nga luôn phản đối việc hai nước này gia nhập NATO vì coi đây là một phần trong vùng ảnh hưởng của Moscow và việc Ukraine và Georgia xích lại gần NATO được coi như một động thái thù địch.

Nhật báo Nga Kommersant cảnh báo rằng, việc Ukraine gia nhập NATO chỉ gây mất ổn định tình hình trong vùng bởi quốc gia này không mang lại bất cứ điều gì về mặt an ninh và phát triển. Dù sao đi nữa, các thành viên của NATO đều thống nhất quan điểm NATO sẽ phải mở rộng mọi cánh cửa cho dù tại Hội nghị Bucharest có đưa ra quyết định gì đi nữa. Tuy nhiên, trước mắt NATO dừng lại ở việc ghi nhận mong muốn gia nhập liên minh của Ukraine và Georgia bất chấp tuyên bố ủng hộ mới đây của Tổng thống Mỹ George Bush. 

                                                                                Băng Châu (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.