.

Khủng hoảng lương thực đe dọa kinh tế toàn cầu

.

Thế giới đang đứng trước cuộc khủng hoảng lương thực, thậm chí Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho rằng đó là nguy cơ của một “cơn sóng thần” nạn đói khi giá gạo tăng từ 300 USD/tấn - mức ở năm 2007 - lên 1.000 USD/tấn năm 2008. Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân của sự khan hiếm lương thực một phần là do chính sách sử dụng nhiêu liệu sinh học của thế giới chưa hợp lý.

Nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học đang ngày càng tăng, đáp ứng mục tiêu thay đổi khí hậu và cắt giảm khí thải có hại. Tuy nhiên, nhiêu liệu sinh học đang càng lúc càng tiêu tốn nhiều ngô và ngũ cốc - nguồn lương thực và là nguồn nguyên liệu thiết yếu trong ngành sản xuất nông nghiệp. Càng nhiều ngũ cốc được dùng cho việc sản xuất ethanol và dầu diesel sinh học cũng đồng nghĩa với việc càng có ít ngũ cốc được dùng trong nông nghiệp để tạo ra lương thực và thực phẩm.

khủng hoảng lương thực đe dọa đến 20 triệu trẻ em ở các nước nghèo trên thế giới. (Ảnh: AFP)

Việc Chính phủ Mỹ và nhiều quốc gia khác hỗ trợ nhiều cho sản xuất nhiên liệu sinh học khiến ngành nông nghiệp lâm vào tình trạng bị mất đất khi có nhiều nông dân chuyển từ sản xuất cây trồng sang cây nhiên liệu. Vì thế, việc sản xuất nông nghiệp trở nên khó khăn hơn và đẩy giá lương thực tăng cao. Giá gạo tăng từ 300 USD/tấn (năm 2007) lên 1.000 USD/tấn năm 2008, giá ngũ cốc tăng hơn 50% so với năm 2007. WFP cảnh báo, khi giá gạo gia tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng vừa qua thì nạn đói đang đe dọa đến 20 triệu trẻ em nghèo. Chủ tịch WB Robert Zoellick cảnh báo rằng, giá thực phẩm leo thang có thể đẩy ít nhất 100 triệu người có thu nhập thấp vào cảnh nghèo. Mặc dù vẫn có lương thực được bày bán tại các quầy hàng nhưng người dân ở nhiều nước nghèo đang không thể mua nổi.

Theo đánh giá, các hộ gia đình ở những nước nghèo thường bỏ ra một phần lớn thu nhập của họ để mua thực phẩm so với các nước giàu. Một hộ gia đình ở Ấn Độ bỏ ra 32% thu nhập để mua thực phẩm trong khi hộ gia đình ở Mỹ chỉ chi tiêu 6% thu nhập cho thực phẩm. Con số này ở Indonesia là 43%, ở Philippines là 36%. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng, chính việc Chính phủ Mỹ và nhiều nước khác khuyến khích sản xuất nhiên liệu sinh học là nguyên nhân đẩy giá lương thực “phi mã” như hiện nay. Nhiều nhà lãnh đạo khác của thế giới cũng không khỏi lo lắng và cảnh báo nhu cầu nhiên liệu sinh học là nguy cơ đẩy sản xuất lương thực thế giới tới bờ vực. Theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, điều này đe dọa chủ yếu đến các nước đang phát triển, trong đó tác động trực tiếp đến người nghèo, làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tăng trưởng và an ninh toàn cầu.

Trong bối cảnh giá lương thực không ngừng leo thang, Indonesia đã đề nghị được đăng cai một hội nghị cấp cao trong quý 2 năm 2008 bàn giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng. Trong một báo cáo được công bố hồi tuần trước, UBS - một trong những công ty tài chính hàng đầu thế giới cho biết Phillippines sẽ phải trải qua một thời kỳ khó khăn do giá gạo toàn cầu tăng cao, đẩy lạm phát ở nước này lên mức kỷ lục 8%, cao hơn mức dự kiến từ 3% đến 5% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2008.

UBS nhận định: So với các nước Đông Nam Á khác, nền kinh tế Philippines hiện “đang ở tình trạng nguy hiểm nhất” khi giá lương thực tăng cao vì nước này quá lệ thuộc vào nhập khẩu và vì gạo là thứ lương thực không thể thay thế đối với 88 triệu người dân Philippines. Để bảo đảm duy trì cung cấp gạo cho gần 3 triệu người nghèo, Chính phủ Philippines đã phải chi một khoản tiền khá lớn để bình ổn giá gạo bao cấp ở mức 18,25 peso/kg (0,45 USD/kg) trong khi giá gạo ngoài thị trường tự do đã tăng lên khoảng 40 peso/kg (0,97 USD/kg).

Hàng loạt các quốc gia Tây Phi, từ Mauritania đến Cameroon, và cả một số nước châu Á như Indonesia, Philippines, trong những tháng gần đây đang phải đối phó với bạo loạn vì lương thực. Hội nghị Thượng đỉnh G8 được tổ chức tại Hokkaido (Nhật Bản) vào tháng 7 tới cũng sẽ bàn thảo về giá thực phẩm trên toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng lương thực đang tác động đến xã hội, chính trị và kinh tế.

Các nhà hoạt động xã hội cùng các tổ chức trên thế giới kêu gọi các nước giàu phải có giải pháp đối với việc sản xuất nhiên liệu sinh học nhằm dỡ bỏ bức tranh ảm đạm của khủng hoảng lương thực hiện nay. Tuy nhiên, trước việc phát triển công nghiệp ồ ạt và thiếu kiểm soát đã dẫn đến sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, việc giải quyết bài toán giữa nhiên liệu sinh học và sản xuất nông nghiệp trở nên nan giải.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.