.

Mỹ cảnh báo sự tái hợp của al-Qaeda và Taliban

.

Các nghị sĩ Dân chủ Mỹ vừa kêu gọi Tổng thống Bush dồn sức chống khủng bố vào Afghanistan và Pakistan, sau khi nói rằng việc chính quyền Bush tập trung quá mức vào Iraq đã cho phép những kẻ Hồi giáo cực đoan tái tập hợp dọc biên giới Afghanistan-Pakistan.

Trong một bức thư gửi Tổng thống Bush, các nghị sĩ viết: “Các chính sách lơ đễnh trong 5 năm qua đã cho phép al-Qaeda và Taliban tái tập hợp và là mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh quốc gia Mỹ so với mọi thời điểm kể từ 11-9-2001 tới nay. Sự xao lãng đối với Afghanistan và Pakistan phản ánh việc chính quyền Bush không nhận thấy khu vực này là chiến trường trung tâm trong cuộc chiến chống al-Qaeda”.

Bức thư này đã được hầu hết các nghị sĩ Dân chủ trong Thượng viện Mỹ ký. Bức thư được gửi cho Tổng thống Bush hai ngày trước khi tư lệnh Mỹ David Petraeus và Đại sứ Mỹ tại Iraq Ryan Crocker dự kiến điều trần trước Thượng viện Mỹ về tiến triển của cuộc chiến tại Iraq. Bức thư cũng chỉ trích chính quyền Bush về việc dồn lực ủng hộ Tổng thống Pakistan Musharraf, làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ với Chính phủ mới của Pakistan. Bức thư có đoạn: “Chúng tôi hối thúc ngài tập trung vào mối quan hệ mới với Pakistan dựa trên sự hợp tác với các thể chế chứ không phải các cá nhân, và ủng hộ nguyện vọng của nhân dân Pakisatan như họ đã thể hiện trong cuộc tổng tuyển cử 18-2”.

Các vụ đánh bom liều chết của những kẻ Hồi giáo cực đoan đã liên tục tăng vọt trong hai năm qua tại Afghanistan.

Bên cạnh đó, việc al-Qaeda nỗ lực tuyển mộ người phương Tây đã làm các chuyên gia an ninh Mỹ lo ngại sâu sắc rằng, những kẻ tấn công mắt xanh tóc vàng có thể xâm nhập vào đất nước này. Theo chuyên gia Matthew Levitt thuộc Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, al-Qaeda có thể tuyển dụng những phần tử cực đoan từ châu Âu, những người có thể tới Mỹ với những tấm hộ chiếu hợp pháp thông qua chương trình miễn thị thực giữa hai bên.

Taliban đã bị lật đổ trong cuộc xâm lược Afghanistan do Mỹ đứng đầu năm 2001. Kể từ đó tới nay, tàn dư của chúng đã tiến hành một cuộc nổi dậy đẫm máu tại quốc gia này. Bạo lực đã tăng vọt tại Afghanistan trong hai năm qua. Năm 2007, hơn 6.000 người đã bị giết và trong số này gần 1/3 là dân thường, làm dấy lên những câu hỏi về cách đối phó với Taliban.

Trong khi đó, lực lượng Taliban và al-Qaeda hoạt động ngày càng mạnh ở Pakistan. Các khu vực bộ tộc gần biên giới với Afghanistan đã trở thành nơi ẩn náu của các chiến binh Taliban và al-Qaeda, là bàn đạp cho các cuộc tấn công liều chết vào những nơi đông dân ở Pakistan. Các nhóm có mối liên hệ với Taliban và al-Qaeda đứng đằng sau làn sóng tấn công mạnh chưa từng có khiến hơn 800 người Pakistan thiệt mạng trong năm 2007 và hơn 40 vụ tấn công liều chết tại Pakistan trong năm 2008.

Tuy nhiên, chuyên gia chống khủng bố Brian Jenkins cũng nói rằng, mặc dù những người nhập cảnh vào Mỹ có thể tiến hành các vụ tấn công khủng bố, song “những mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi hiện giờ là những kẻ khủng bố mang hộ chiếu Mỹ - những công dân Mỹ đang sống ngay trên đất Mỹ. Bằng chứng là trong các cuộc tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và London và các âm mưu bị phát hiện tại Đức và Đan Mạch cũng như những nơi khác, những nhóm khủng bố đó không phải những kẻ xâm nhập từ bên ngoài mà đều là những kẻ sống bên trong các lãnh thổ này.

BĂNG CHÂU (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.