Hãng thông tấn CTK của Cộng hòa Séc vừa thông báo, Washington và Prague sẽ ký kết hiệp định song phương cho phép Mỹ đặt trạm radar trên lãnh thổ Cộng hòa Séc vào đầu tháng 5 tới.
CTK đã trích lời phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Cộng hòa Séc rằng thỏa thuận này sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và người đồng cấp Cộng hòa Séc Karel Schwarzenberg ký tại Prague sau khi Đại sứ Mỹ Richard Graber tuyên bố chuyến thăm sắp tới của bà Rice tới Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, việc đặt trạm radar của Mỹ trên đất CH Séc sẽ phải chờ Quốc hội nước này thông qua, điều này dường như có thể gây thất vọng đối với Thủ tướng Mirek Topolanek, người đã tán thành việc xây dựng trạm radar của Mỹ.
Người dân Cộng hòa Séc biểu tình trước Quảng trường Hradcanske ở Prague để phản đối việc lắp đặt trạm radar của Mỹ tại nước này. |
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ cải biến một trạm radar ở đảo Kwajalein Atoll trên Thái Bình Dương và chuyển trạm này tới Cộng hòa Séc như một phần của lá chắn tên lửa Đông Âu. Lá chắn tên lửa này cũng bao gồm đặt 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan nhằm chống lại những vụ tấn công đến từ “các quốc gia thù địch” như Iran. Đổi lại, Cộng hòa Séc đã yêu cầu được tham gia vào năm dự án nghiên cứu của quân đội Mỹ và một thỏa thuận với Mỹ về việc tạo thuận lợi về thị thực cho công dân Cộng hòa Séc.
Sau khi được ký kết, hiệp định này phải được Quốc hội Cộng hòa Séc phê chuẩn và được ký bởi Tổng thống Vaclav Klau. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tuần trước tại Bucharest, bà Rice và ông Schwarzenberg nói rằng, các cuộc đàm phán giữa hai nước về hiệp định này đã được hoàn tất. Ngoài hiệp định phòng thủ tên lửa, Mỹ và Cộng hòa Séc sẽ ký hiệp định SOFA về việc cho phép Mỹ đóng quân tại quốc gia này.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mostafa Mohammad Najjar tuyên bố thế giới cần một lá chắn tên lửa để chống lại các mối đe dọa đến từ Mỹ và Israel. Ông Mostafa nhấn mạnh: “Nếu thế giới cần một lá chắn tên lửa thì nó phải được dùng để chống lại mối nguy hại về tên lửa và hạt nhân đến từ Mỹ và Israel, vốn đe dọa một cách gián tiếp hoặc trực tiếp đến nhiều quốc gia bằng chiến tranh và xâm lược”. Bộ trưởng Quốc phòng Iran cũng cho rằng việc Mỹ tuyên bố lá chắn tên lửa của họ ở châu Âu sẽ chống lại các tên lửa của Iran chỉ là điều dối trá. Ông nói: “Kho tên lửa của chúng tôi chỉ đơn thuần mang mục đích phòng thủ và chỉ là mối đe dọa đối với những kẻ xâm lược mà thôi”.
Tướng Mostafa còn khẳng định, Iran để ngỏ khả năng hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới nhằm bảo đảm an ninh và ổn định cho khu vực Trung Đông, trừ Israel, quốc gia mà Tehran không công nhận.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), các nước NATO đã đưa ra thông cáo rằng, sự phổ biến của tên lửa đạn đạo như “một mối đe dọa ngày càng tăng đối với lãnh thổ, dân số và quân đội các nước đồng minh trong khối” và xem hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ là “sự đóng góp trọng yếu trong việc bảo vệ các đồng minh”. Dù sao đi nữa, sự ủng hộ của NATO đối với lá chắn tên lửa của Mỹ cũng không nằm ngoài mục đích bảo vệ cho bất cứ thành viên nào của khối trước mối đe dọa ngày càng tăng của việc phổ biến tên lửa đạn đạo hiện nay trên thế giới.
GIA HUY (Theo RIA Novosti, CTK, AFP).