.

Tranh Việt ở xứ người

.

Tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam từ lâu đã là “mặt hàng” chủ lực trong các cuộc bán đấu giá tranh nghệ thuật vùng Đông Nam Á. Nhưng có một sự phân cách rất rõ giữa các thế hệ nghệ sĩ.

Tác phẩm của các họa sĩ thế hệ đầu tiên - những người học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp thành lập ở Hà Nội năm 1925 - luôn nổi bật lên và thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới sưu tập tranh quốc tế, trong khi có rất ít tác phẩm của các họa sĩ đương đại được đưa ra chào trong các cuộc đấu giá.

Cảnh làng quê Việt Nam của Nguyễn Gia Trí.
Tác phẩm của các họa sĩ tiền bối như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ và Nguyễn Gia Trí có mặt trong rất nhiều bộ sưu tập tranh khắp thế giới và trong thời gian gần đây giá những tác phẩm này tăng đều đều.

Tháng chín năm ngoái, một tác phẩm của cố họa sĩ Lê Phổ, bức “Tình mẫu tử”, được đấu giá ở Singapore với mức 552.000 đô-la Singapore (khoảng 5,8 tỷ đồng Việt Nam), tạo ra một kỷ lục thế giới về giá đối với một tác phẩm hội họa Việt Nam và ngang ngửa với những tác phẩm có giá cao nhất của họa sĩ bậc thầy người Indonesia, ông Affandi.

Tuy vậy, tại cuộc đấu giá này, tác phẩm của các họa sĩ trẻ như Nguyễn Minh Phước và Lê Minh Đức lại không thu hút được sự chú ý của giới thưởng ngoạn và giá tranh thì kém xa so với tác phẩm của nhiều đồng nghiệp Đông Nam Á.

Bà Daniel Komala, Giám đốc điều hành Công ty đấu giá Larasati ở Jakarta (Indonesia) nhận xét: “Mặc dù có tiềm năng to lớn nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại, các họa sĩ Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với các họa sĩ Indonesia và phải chật vật đuổi theo trong một thời gian dài nữa”.

Cảnh gia đình của Vũ Cao Đàm.
Bà Ruoh-Ling Keong, chuyên gia về tranh Đông Nam Á của nhà đấu giá quốc tế Christie’s tại Singapore thì tin rằng thị trường tranh Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu và có triển vọng hết sức lớn lao. “Indonesia và Philippines có lịch sử nghệ thuật lâu dài hơn Việt Nam và tôi cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường tranh Việt Nam chưa đạt tới quy mô mong muốn”, bà nói.

Theo bà Komala, các họa sĩ trẻ Việt Nam ít được chú ý tại các buổi đấu giá vì tác phẩm của họ ít khi xuất hiện tại các phòng tranh - thị trường sơ cấp của tranh nghệ thuật. Để giành được giá cao trong các cuộc đấu giá quốc tế, tác phẩm và tác giả phải là những cái tên quen thuộc trong các gallery quốc tế và khu vực. “Một trong những vật cản lớn là các gallery thường không nhiệt tình trưng bày, quảng bá cho tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ, hiện đại và giàu tài năng.

Thị trường tranh ở Việt Nam vẫn chủ yếu phục vụ khách du lịch, và các gallery đang làm tốt nhiệm vụ này. Họ chỉ muốn dừng tại đó và không muốn dấn thân ra khỏi lĩnh vực kinh doanh quen thuộc. Chừng nào tâm lý ấy còn phổ biến thì Việt Nam chưa có một thị trường tranh nghệ thuật thực sự, nói gì đến hội nhập vào thị trường tranh nghệ thuật quốc tế có giá trị giao dịch hàng trăm tỷ đô-la mỗi năm”, bà Komala nói.

Giới sưu tầm và thưởng ngoạn đang mong ngóng cuộc đấu giá mùa xuân của nhà đấu giá quốc tế Sotherby’s sắp diễn ra ở Hồng Kông vào cuối tháng tư này. Lần này Sotherby’s đưa ra 49 bức tranh Việt Nam chưa từng đấu giá trước đây, cùng với một cuốn vựng tập (catalog) đặc biệt. Nhưng đáng tiếc là trong 49 tác phẩm đang được trông chờ đó chỉ có 2 bức là tác phẩm hội họa đương đại.

Mok Kim Chuan, trưởng bộ phận tranh Đông Nam Á của Sotherby’s, cho biết: “Chúng tôi dự tính sẽ thu về được khoảng 11,6 triệu đô-la Hồng Kông trong cuộc đấu giá 1 ngày này và tin rằng phản ứng của thị trường là rất tích cực”. Ông Mok tiết lộ, điểm sáng nhất của cuộc đấu giá tại Hồng Kông sắp tới là bức tranh lụa “Trò chuyện trong vườn” của cố họa sĩ Vũ Cao Đàm, sáng tác năm 1939, giá khởi điểm từ 1 triệu đến 1,5 triệu đô-la Hồng Kông, tức là từ 2 tỷ đến 3,1 tỷ đồng Việt Nam. Những tác phẩm hội họa Việt Nam được thị trường truy tìm nhiều nhất là tranh của các họa sĩ trước và sau Thế chiến thứ hai và tranh lụa là loại hình được phổ biến rộng rãi nhất.

Trong vài năm gần đây, các nhà đấu giá quốc tế bắt đầu giới thiệu một bộ sưu tập hạn chế các họa sĩ trẻ tài năng và có tên tuổi trong nước như Nguyễn Thanh Bình, Lê Thiết Cương và Lê Minh Đức. Tác phẩm của các họa sĩ này mang đậm chất truyền thống và thiên về phong cảnh. Là người thường xuyên sang Việt Nam để tìm “nguồn hàng” cho nhà đấu giá Christie’s, bà Ruoh-Ling Keong nói rằng bà đã thấy một làn sóng mới những họa sĩ trẻ Việt Nam sắp xuất hiện. “Tôi đã gặp vài họa sĩ rất thú vị, rất sắc sảo và rất trẻ nhưng họ chưa sẵn sàng tiến ra khu vực và thế giới. Trước tiên họ cần quảng bá tác phẩm trên thị trường sơ cấp ở trong nước rồi vươn ra thị trường thứ cấp sau khoảng ba năm, năm năm tới,” bà nói.

Trong các cuộc đấu giá tranh quốc tế gần đây, mối quan tâm đến các họa sĩ đương đại Trung Quốc đã giảm trong khi giá tranh của các họa sĩ Indonesia lại tăng vọt. Điều đó cho thấy chẳng bao lâu nữa lớp họa sĩ trẻ đang lên của Việt Nam sẽ chiếm lĩnh các sàn đấu giá tranh quốc tế ở khu vực và khi ấy các nhà sưu tập tranh phải chật vật đuổi theo họ.

HUỲNH HOA (Theo International Herald Tribune)

;
.
.
.
.
.