.

Cuộc cải tổ chính phủ của tân Thủ tướng Putin

.

Trong cơ cấu chính phủ mới do tân Thủ tướng Vladimir Putin đề xuất và đã được Tổng thống Dmitry Medvedev phê duyệt, thì hầu như tất cả các tên tuổi trên chính trường Nga dưới thời Putin đều được trọng dụng, nhưng họ phải hoán đổi vị trí cho nhau.

Putin lại một lần nữa chứng minh với thuộc cấp của mình rằng ông sẵn sàng cho họ hơn thứ họ yêu cầu nhưng lại không phải thứ họ muốn.

Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin. Ảnh: Reuters. 

Tân tổng thống và tân thủ tướng Nga đã hoàn toàn giữ bí mật khi họ thành lập nội các mới. Tất cả mọi tiên đoán của báo giới và mọi người về cơ cấu tổ chức, nhân sự về chính phủ mới mà Putin thành lập cho Medvedev dường như đều sai lệch.

Những nội dung chính trong Nghị định mới ký bởi Tổng thống Medvedev được xem là một cuộc cách mạng đối với cơ cấu tổ chức hành chính vốn có. Nó là sự tái áp dụng sự kiểm soát của các bộ lên các cơ quan liên bang. Những tân bộ trưởng mới được chỉ định có quyền ra lệnh, điều chỉnh các cục, cơ quan thuộc thẩm quyền cũng như có quyền bảo lưu, hủy bỏ các lệnh do người đứng đầu các cơ quan này ban hành khi cần thiết.

Một số chức năng của các bộ sẽ được trao cho một cơ quan kinh tế tổng hợp. Ví dụ, Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại sẽ không còn quản lý về thương mại nữa. Thương mại sẽ thuộc về Bộ Công nghiệp và Năng lượng mới được cơ cấu lại và vẫn thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Viktor Khristenko. Nhưng ông này lại không được quyền kiểm soát vấn đề năng lượng nữa bởi một bộ chuyên về năng lượng sẽ được hình thành. Người đứng đầu bộ mới này chính là cựu giám đốc công ty Atomstroiexport Sergey Shmatko. Bộ Năng lượng sẽ “thâu tóm” mọi hoạt động của Cơ quan Năng lượng liên bang (Rosenergo).

Thực ra, chẳng có một lo-gic rõ ràng nào về việc các cơ quan, cục liên bang tồn tại dưới thời Putin nên được giữ lại hoặc nên xóa bỏ. Một điều duy nhất có thể khẳng định lúc này là chính phủ mới sẽ không thành lập một cơ quan chính quyền nào mới cả.

Hiện có những ý kiến cho rằng Putin có thể thực hiện mọi kế hoạch cải tổ tại cấp độ phó thủ tướng cùng một lúc. Có hai phán đoán cho rằng Putin sẽ hình thành một đội ngũ trợ lý riêng, lấy nguồn từ các phó thủ tướng hoặc sẽ tin cẩn giao cho một số ít phó thủ tướng những chức năng quan trọng, để mình được “thảnh thơi” hoạch định chiến lược. Hiện số lượng phó thủ tướng đã tăng từ 4 lên 7 người nhưng nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân cho mỗi phần việc phụ trách sẽ chưa được duy trì triệt để.

Đã có thêm hai phó thủ tướng thứ nhất trong chính quyền. Đó là cựu trợ lý tổng thống Igor Shuvalov - chịu trách nhiệm quản lý về các cơ quan kinh tế-xã hội, thương mại nội địa và cựu thủ tướng Viktor Zubkov sẽ quản lý các dự án quốc gia và đánh bắt hải sản. Phó Thủ tướng Alexander Zhukov cũng sẽ tham gia vào công tác quản lý dự án quốc gia. Igor Sechin sẽ quản lý các ngành công nghiệp nhưng loại trừ các khu phức hợp công nghiệp - quân sự. Duy nhất Phó thủ tướng Alexey Kudrin phải kiêm nhiệm khi vừa là Bộ trưởng Bộ Tài chính và giám sát các vấn đề kinh tế - xã hội. Các phó thủ tướng sẽ không có quyền ra lệnh cho các bộ trưởng và không có các cơ quan nào trực thuộc.

Trong buổi giao thời với nhiều biến chuyển, chưa ai có thể đưa ra nhận định cụ thể rằng bộ máy mới sẽ hoạt động như thế nào. Nó có thể mang lại thành công khi được điều hành bởi cựu tổng thống tài ba như Putin. Lúc này, chỉ có ông là người duy nhất đặt ra những thay đổi, những mâu thuẫn và chính ông sẽ đưa ra câu trả lời cho những mâu thuẫn và đổi mới đó mà thôi.

Lê Phương (Theo Kommersant)

;
.
.
.
.
.