.

Giấc mơ Trung Quốc: Một chiếc xe hơi

.

Gia đình ông Li Rifu – một nông dân kiêm thợ sửa đồng hồ 46 tuổi ở gần thành phố Đài Châu, tỉnh Triết Giang – từng đặt nhiều kỳ vọng vào chiếc xe hơi đầu tiên: Họ tin rằng nó sẽ làm tăng lợi thế của hai cậu con trai, 22 và 24 tuổi, trong việc tìm bạn gái, kết hôn và sinh ra những đứa trẻ nối dõi tông đường. Quả thật như vậy.

Ông Li Rifu (bên phải) được hướng dẫn điều khiển chiếc xe sắp mua.

Chẳng bao lâu sau khi ông Li mua chiếc xe Geely King Kong với giá 9.000 đôla hồi đầu năm ngoái, hai cậu đều tìm được bạn gái; thậm chí người anh, Li Fengyang, còn cưới vợ sau một thời gian ngắn tán tỉnh và hẹn hò trong chiếc xe của gia đình. “Yêu nhau trong xe thì kín đáo hơn, bí mật hơn”, cậu nói.

Nhận xét về xu thế người Trung Quốc đổ xô đi mua xe hơi, giới quan sát phương Tây thường chỉ chú ý tới mối liên hệ giữa hiện tượng này với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn dầu mỏ nước ngoài, nhu cầu tài nguyên thiên nhiên như sắt thép ngày càng cao và mức phát khí thải ra môi trường làm trái đất nóng lên ngày càng nhiều. Nhưng hàng triệu người Trung Quốc không quan tâm tới điều đó; xe hơi đối với họ là câu chuyện vừa đơn giản, vừa phức tạp.

Công ty tư vấn J.D. Power tính ra rằng, 80% số xe hơi tiêu thụ ở Trung Quốc được bán cho những người trước đó chưa từng mua xe, dù là xe cũ, và tỷ lệ này không thay đổi trong suốt 4 năm qua. Để so sánh, ở Mỹ chỉ có 1% số xe được bán cho những người mua xe lần đầu. Chính sự bùng nổ số người mua xe lần đầu là động lực thúc đẩy số xe hơi bán ra ở Trung Quốc tăng 8 lần trong thời gian từ năm 2000 đến nay và cũng là nguyên nhân giúp Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường xe hơi lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Thái độ của người mua xe Trung Quốc cũng đáng chú ý. Ngay cả những người mua xe lần đầu cũng rất sành sỏi và đều muốn mua xe xịn. Họ quan tâm nhiều tới tiện nghi, kiểu dáng và độ tin cậy của chiếc xe chứ không chỉ chuộng giá rẻ. Các nhà sản xuất xe hơi nội địa Trung Quốc như Geely và Chery – một thời là mối đe dọa tiềm tàng cho các hãng xe hơi của Nhật, Mỹ và châu Âu khi lăm le xuất khẩu vào các thị trường này – nay chỉ có thể hoạt động cầm chừng, sản lượng không tăng, thậm chí còn sút giảm trong vài năm gần đây, trong khi nhìn chung thị trường xe hơi Trung Quốc liên tục tăng trưởng mạnh. Kết quả là, lợi lộc đều rơi vào túi các công ty liên doanh, lắp ráp và bán ở Trung Quốc những mẫu xe được thiết kế ở nước ngoài như xe Excelle của hãng Buick, Jetta của Volkswagen, Camry của Toyota.

Michael Dunne, Giám đốc điều hành Công ty J.D. Power tại Trung Quốc nhận xét: “Khách hàng ngày càng sành điệu, họ muốn mua xe tốt, có thương hiệu hẳn hoi; họ thà chờ đợi và dành dụm thêm tiền thay vì mua xe nhỏ, giá rẻ”. Đối với người Trung Quốc, chiếc xe hơi – cũng như ngôi nhà – không chỉ là phương tiện mà còn có vai trò quan trọng trong một lối sống đang thay đổi nhanh chóng, trong đó người ta giao tiếp với nhau nhiều hơn, cần biểu thị sĩ diện nhiều hơn.

“Không có chiếc xe này, hai thằng con tôi khó mà kiếm được vợ; bọn con gái không để ý tới chúng”, ông Li Rifu nói và bùi ngùi nhớ lại, vào đầu thập niên 1980 ông chỉ cần có chiếc xe đạp là tán tỉnh được cô gái bây giờ là vợ ông; ông nhớ đã đèo người tình trên xe đạp mòn hết mấy cặp lốp. Theo cô Jin Ya, con dâu của ông Li, các cô gái thời nay chỉ coi một chàng trai là đáng lấy làm chồng nếu anh ta có thể đưa người yêu đến nơi hò hẹn bằng “xế hộp”.

Số lượng xe hơi bán ra ở Trung Quốc từ năm 2000 đến nay.


Thêm vào đó, chiếc xe hơi còn giúp cho ông Li ký được nhiều hợp đồng cung cấp hoa tươi – nghề chính của ông hiện nay. “Khách hàng bảo tôi: Ồ, ông có xe hơi rồi đấy à? - và các vụ thương lượng diễn ra thuận lợi hơn nhiều”, ông Li nói.

Nhưng, phúc bất trùng lai, mua xe chưa được bao lâu thì ông Li khám phá mình bị ung thư tuyến tiền liệt, phải đến tận Thượng Hải – cách nhà 5 tiếng đồng hồ lái xe, để chạy chữa và tiêu tốn hơn 40.000 đô-la. Tình thế buộc ông phải bán chiếc xe Geely với giá 8.000 đô-la để trang trải chi phí thuốc men. Ở Trung Quốc, trong lúc có rất nhiều gia đình đã từ nghèo khó vươn lên tầng lớp trung lưu, mua nhà lớn, sắm xe hơi, song cũng có nhiều gia đình từ trung lưu rơi xuống nghèo khó chỉ sau vài vụ làm ăn thua lỗ, bệnh tật hoặc hoạn nạn trong đời sống; gia đình ông Li là một trường hợp như vậy.

Tuy nhiên, ông Li Rifu vẫn cố lạc quan. Giờ đây ông mơ tới ngày phục hồi sức khỏe, kiếm tiền bù lại chi phí thuốc men. Và như đa số người Trung Quốc, ông sẽ mua một chiếc xe khác, lớn hơn, ấn tượng hơn chiếc Geely nhỏ bé mà ông đã bán hồi đầu năm. “Nếu tôi mua một chiếc xe khác, tôi sẽ mua xe có chất lượng tốt hơn, nội thất đẹp hơn và có trợ lực tay lái”, ông Li nói.

THÁI BÌNH (Theo International Herald Tribune)

;
.
.
.
.
.