.

Hơn 100 nước phê chuẩn hiệp ước cấm bom chùm

.

Bộ Ngoại giao Ireland cho biết, hôm nay (30-5), hiệp ước cấm bom chùm sẽ chính thức được thông qua và được ký kết tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 2 và 3-12 sau khi đã đạt được sự nhất trí của các nhà ngoại giao đến từ 111 quốc gia vào hôm qua. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất và tàng trữ loại vũ khí chết người này.

Một quả bom chùm phát nổ tại làng Sultaniyeh, ở Libăng.

Sau 10 ngày thương thuyết kỹ càng tại sân vận động Croke Park ở thành phố Dublin của Ireland, các nhà ngoại giao đã nhất trí về cách diễn đạt trong bản hiệp ước quy định việc sử dụng, sản xuất, chuyển giao và tàng trữ bom chùm là trái phép. Bản hiệp ước cũng đề cập tới việc trợ cấp cho các nạn nhân của loại bom nguy hiểm này và dọn dẹp những khu vực có bom chùm chưa nổ.

Theo Bộ Ngoại giao Ireland, hiện đã có 111 quốc gia và 18 quan sát viên các nước đăng ký tham gia hội nghị. Bản hiệp ước đòi hỏi các bên hủy bỏ kho vũ khí bom chùm trong vòng 8 năm. Bom chùm từng được sử dụng ở một số nơi như Campuchia, Kosovo, Afghanistan và Libăng. Loại bom này là “kho” chứa các quả bom nhỏ hơn, mở ra giữa không trung và làm bung ra hàng trăm quả bom nhỏ hơn ra một vùng rộng lớn. Các nước như Mỹ, Ấn Độ, Pakistan và Israel cho rằng, loại vũ khí như vậy rất hữu ích trên chiến trường nhưng những người phản đối cho rằng những quả bom nhỏ không nổ ngay vẫn có thể gây nguy hiểm cho dân thường.

Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin tuyên bố: “Hiệp ước thực sự là một đóng góp to lớn cho luật nhân đạo quốc tế”. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel và Pakistan - các nước sản xuất và tàng trữ bom chùm lớn trên thế giới lại không tham gia cuộc họp ở Dublin và do đó, không góp phần vào thỏa thuận này. Ireland và các nước tài trợ hàng đầu sẽ lên kế hoạch công bố hiệp ước này vào hôm nay sau khi bản hiệp ước được dịch ra nhiều thứ tiếng.
 
Ông Martin cũng hy vọng rằng, sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới sẽ gây áp lực cho Mỹ và các nhà sản xuất từ bỏ loại vũ khí này. Hiện nay, những người tham gia chiến dịch vận động chống sử dụng bom chùm mong muốn hiệp ước cấm bom chùm nhanh chóng được thông qua để thành lập các dự án rà phá bom chưa nổ và giúp đỡ các gia đình và các cộng đồng là nạn nhân của loại bom này. Ông Simon Conway, cựu chiến binh Anh và cũng là chuyên gia rà phá bom mìn nói rằng: “Chúng tôi cho rằng, hiệp ước này sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn đối với những người dân trên thế giới và sẽ cứu sống nhiều người”.
    
BĂNG CHÂU (Theo AFP, BBC)

;
.
.
.
.
.