Lần đầu tiên các Bộ trưởng của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) đã bàn về sự thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến thị trường lao động. Thay đổi khí hậu không chỉ tác động đến cuộc sống của con người mà còn là vấn đề an ninh trên toàn thế giới.
Bão Nargis tàn phá đất nước Myanmar. Ảnh: TIME |
Niigata (Nhật Bản) những ngày đầu tuần này là nơi nhóm họp của các “ông lớn” Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nga với một tuyên bố chung được đưa ra rằng, cần thiết phải cân bằng sự tăng trưởng, việc làm, năng suất và việc bảo vệ môi trường.
G8 đã thống nhất thực hiện các biện pháp nhằm đối phó với những tác động từ sự biến đổi khí hậu với thị trường lao động.
“Lao động là phương diện cốt lõi của các hoạt động kinh tế ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu” - Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Yoichi Masuzoe, người chủ trì cuộc họp nói. Ông còn nói thêm rằng, phải đề cập về sự thay đổi của môi trường trong chính sách lao động nhằm tạo ra một xã hội ổn định. Tuyên bố tập trung vào “Nguyên tắc cân bằng toàn cầu Niigata”, trong đó kêu gọi thúc đẩy sự cân bằng giữa các chính sách việc làm và chính sách môi trường, đồng thời tái khẳng định các nước G8 có thể giúp những người lao động phải rời bỏ các ngành bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu tìm những công việc mới.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa ra những chính sách lao động nhằm hỗ trợ những người làm việc trong điều kiện tồi tệ và những người dễ bị tổn thương về mặt xã hội. Tuyên bố cho rằng, toàn cầu hóa và những thay đổi kỹ thuật mang lại nhiều cơ hội tiềm tàng cho nền kinh tế thế giới phát triển thịnh vượng hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn và đời sống của người dân được cải thiện hơn, song nó cũng dẫn tới sự phân hóa và những khó khăn trong việc điều chỉnh thị trường lao động. Để hạn chế sự phân hóa đó, G8 nhất trí tăng cường các chương trình đào tạo nghề cho những người lao động dễ bị tổn thương và không được hưởng những lợi ích từ quá trình toàn cầu hóa nhằm giúp họ phát triển nghề nghiệp; đồng thời khuyến khích các chương trình dạy nghề liên quan tới các công nghệ thân thiện với môi trường cũng như những chính sách tiết kiệm năng lượng tại nơi làm việc. Theo các Bộ trưởng G8, thỏa thuận trên sẽ tạo động lực cho việc đạt được sự thỏa hiệp trong vấn đề biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ là chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản, vào tháng 7-2008.
Nhiều quốc gia trên thế giới luôn phải đối phó với lũ lụt, hạn hán… LHQ cho rằng, thế giới cần tiến đến thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu vào năm 2009. Ảnh: AP |
Vấn đề biến đổi khí hậu vẫn là mối bận tâm lớn của các quốc gia, LHQ và các tổ chức quốc tế khác mà cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nhà hoạt động về môi trường Maurice Strong, đã từng cho rằng biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề an ninh trên toàn thế giới. Ngày 16-5-2008, lãnh đạo của gần 60 nước châu Mỹ
Latinh và các nước châu Âu đã bắt đầu nhóm họp để bàn về sự thay đổi khí hậu, thương mại, nghèo đói và khủng hoảng lương thực toàn cầu. Điều khó khăn hiện nay là trong khi có quá nhiều tác động từ việc Trái đất dần ấm lên thì không có nhiều giải pháp cụ thể được đưa ra cũng như được thực thi hiệu quả. Nước nghèo “bó tay”, còn các nước giàu - những nước thải phần lớn chất gây ô nhiễm vào khí quyển, - vẫn đang tranh cãi về mục tiêu cắt giảm khí thải và các giải pháp công nghệ cao. Thực tế, các nước nghèo chỉ tham gia một phần nhỏ vào tình trạng Trái đất ấm lên nhưng lại phải gánh chịu hậu quả này với tỷ lệ lớn về số nạn nhân.
Các nước nghèo đang cần khoản kinh phí khổng lồ - nhiều tỷ USD để cứu lấy những vùng đất đang chìm dần trong nước biển, giúp nông dân thích nghi và tái định cư... Mỹ là nước đứng đầu danh sách các quốc gia thải nhiều khí CO2 nhất với tỷ lệ hơn 21%, tiếp theo là Trung Quốc với gần 19%. Mục tiêu của LHQ đề ra là đến năm 2020, các nền kinh tế phát triển sẽ cắt giảm từ 25% đến 40% khí thải so với mức của năm 1990. Các chuyên gia phân tích cho rằng, tuy ít khả năng có những nhượng bộ mới về biến đổi khí hậu, nhưng các nước vẫn sẽ phải tích cực hợp tác để tạo ra kết quả cụ thể cho năm 2009 - thời hạn cần phải đạt được đưa ra các thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu thay cho Hiệp định Kyoto sẽ kết thúc năm 2012.
PHÚC NGUYÊN