.

Liên minh thân phương Tây thắng cử

.

Hôm 12-5, Tổng thống Serbia Boris Tadic đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tại nước này. Ông Tadic cho biết, người Serbia đã chọn con đường hợp nhất với châu Âu song thề rằng Chính phủ mới của ông sẽ không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập.

Liên minh của Tổng thống Boris Tadic đã giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử hôm 11-5.

Ông Tadic nói: “Các công dân Serbia đã khẳng định con đường hợp nhất với châu Âu của Serbia. Serbia sẽ là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Chúng tôi đã hứa hẹn việc đó và chúng tôi sẽ hoàn thành việc đó”.

Khoảng 60,7% trong tổng số 7 triệu cử tri Serbia đã tham gia cuộc bầu cử Quốc hội hôm 11-5, thấp hơn tỷ lệ trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 1-2008. Slovenia, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU đã ra tuyên bố hoan nghênh “chiến thắng” của các lực lượng thân phương Tây tại Serbia và hy vọng các lực lượng này sẽ nhanh chóng thành lập Chính phủ mới.

Theo kết quả sơ bộ cho thấy, liên minh thân phương Tây của ông Tadic, gồm đảng Dân chủ và các liên minh của đảng này, đã giành được khoảng 39% phiếu bầu so với 29% của đảng Cấp tiến dân tộc. Dự đoán Liên minh vì một Serbia châu Âu của ông Tadic sẽ có khoảng 103 ghế trong tổng số 250 ghế của Quốc hội Serbia. Với kết quả trên, không đảng nào giành được 126 ghế cần thiết để chiếm đa số trong Quốc hội và liên minh của ông Tadic sẽ phải thành lập một Chính phủ liên minh với các đảng nhỏ hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Cấp tiến Serbia (SRP) theo đường lối chủ nghĩa dân tộc, ông Tomislav Nikolic cho biết, đảng của ông có thể thành lập một liên minh dân tộc chống lại ông Tadic.

Tuyên bố độc lập của Kosovo là một chủ đề lớn trong chiến dịch vận động tranh cử. Serbia buộc phải tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn do những khủng hoảng chính trị kể từ sau khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập. Những bất đồng về cách phản ứng khi hầu hết các nước EU công nhận Kosovo đã dẫn tới sự sụp đổ của liên minh giữa đảng Dân chủ của ông Tadic và đảng Dân chủ dân tộc Serbia của Thủ tướng Kostunica. Ông Kostunica nói rằng những bất đồng của ông với liên minh của ông Tadic là “không thể vượt qua được” và ông sẽ đàm phán với đảng Cấp tiến dân tộc.

Nhiều người đã mong đợi đảng Cấp tiến dân tộc sẽ chiến thắng nhờ vào sự tức giận của nhiều người Serbia và cảnh báo rằng quốc gia này có thể rơi vào sự cô lập mới. Tổng thống Tadic đã bị chỉ trích là người phản quốc sau khi ký một hiệp định thương mại và trợ giúp gia nhập EU - một thỏa thuận mà ông Kostunica và ông Nikolic cho là đồng nghĩa đổi Kosovo lấy những đồng tiền vấy máu. Tuy nhiên, không ít người Serbia coi tương lai của quốc gia này nằm ở EU.

GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.