Dựa trên những kết của cụ thể đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trong hai ngày 23 và 24-5), công chúng mới biết được chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin để lại cho người kế nhiệm của mình là gì.
Đối với phương Tây, tân tổng thống mới của Nga phải đối mặt với rất nhiều mối quan hệ căng thẳng với đại đa số thành viên của Liên minh châu Âu và Mỹ. Đối với phương Đông, quan hệ hợp tác vẫn đang được “nuôi dưỡng” và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.
Tổng thống Nga Medvedev bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sau khi hai bên ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Reuters. |
Cách đây 8 năm, khi Putin vào Điện Kremlin, các nhà phân tích chính trị luôn theo sát mọi thay đổi trên gương mặt của Putin để đoán biết được xu hướng phát triển các mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Nga sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. Họ tự hỏi, liệu mối quan hệ giữa Putin và người đồng nhiệm của mình sẽ tiến triển tốt đẹp như quan hệ thời Boris Yeltsin và Giang Trạch Dân. Cần nhấn mạnh rằng, ban đầu Putin luôn bào chữa cho tính thực dụng và đường lối cứng rắn khi bảo vệ những lợi ích kinh tế của nước Nga. Điều này suýt đã gây rạn nứt trong mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, chính những lợi ích mang tính dài hạn đã khiến hai quốc gia gần nhau hơn. Có rất nhiều nhân tố khiến hai bên đã rất nỗ lực trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương: sự leo thang căng thẳng với phương Tây, thách thức khủng bố tại vùng Trung Á, cùng chung ý kiến trong vấn đề độc lập của Kosovo và hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ, mong muốn xây dựng một thế giới đa cực và nhu cầu đối phó với một thế giới đơn cực đã khiến họ phải chung tay.
Chính sách đối nội của điện Kremlin cũng đóng góp rất nhiều đến sự phát triển của mối quan hệ này. Trong những năm gần đây, Nga đã tiến hành nhiều biện pháp cải cách đối ngoại thể hiện dân chủ cao. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây luôn nhấn mạnh rằng họ không mất thích thú với các chính sách của Kozyrev và Yeltsin. Dưới thời Putin, Trung Quốc nhận rõ sự từ chối thẳng thừng trong các thỏa hiệp với phương Tây. Điều này khiến hai nước càng thêm gắn bó.
Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế của Nga và Trung Quốc vẫn luôn căng thẳng trong 8 năm qua. Dù khối lượng giao dịch thương mại có tăng (đạt 48 tỷ USD vào năm 2007) nhưng hệ thống thương mại hai bên vẫn còn nhiều mâu thuẫn và số vụ tranh chấp luôn phát triển theo tỉ lệ thuận. Giao thương với Nga chỉ bằng 1/8 so với các giao dịch thương mại với Mỹ.
Trung Quốc luôn lo lắng Nga sẽ dùng năng lượng làm công cụ đối ngoại. Đó là lý do tại sao Trung Quốc không bao giờ ủng hộ Nga trong các cuộc chiến khí gas với Ukraine và Belarus. Chính quyền Trung Quốc sợ rằng lịch sử sẽ lặp lại, đường ống dẫn dầu xuyên Thái Bình Dương - Đông Siberia chưa hoàn thành sẽ trở thành tâm điểm của sự bất đồng. Chính vì vậy, chính quyền Trung Quốc luôn né tránh việc công khai ủng những chính sách kinh tế của Nga.
Thực ra, tình hình kinh tế hiện nay có nhiều điểm tương đồng với thời điểm năm 2000. Vì vậy, tân Tổng thống Medvedev có cơ hội phát triển những mối quan hệ mới đại diện cho quyền lợi chung của Nga và Trung Quốc. Nhưng cần nhớ rằng, Trung Quốc luôn là một đối tác rất nhạy cảm, họ sẽ hợp tác ở những lĩnh vực đôi bên cùng có lợi nhưng sẽ không bao giờ quên đi những lợi ích của mình.
Lê Phương (Theo Kommersant, AP)