.

Ngân hàng Phát triển châu Á cảnh báo khủng hoảng lương thực toàn cầu

.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ra cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng giá lương thực có thể “lật đổ” mọi nỗ lực giảm nghèo tại các quốc gia trên khắp châu lục.

Người dân Bangladesh xếp hàng mua lương thực.

Theo Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda, “kỷ nguyên của giá lương thực rẻ đã qua đi” và cần phải nhanh chóng cung cấp tài chính cho các dự án tại vùng nông thôn châu Á, bởi điều này sẽ giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Giá lương thực leo thang đã làm lạm phát trở nên trầm trọng. ADB dự đoán lạm phát tại châu Á sẽ tăng 5% trong năm nay, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 10 năm trước đây. Giá gạo tại Thái Lan hiện đã đạt ngưỡng 1.000 USD/tấn, gấp ba lần so với thời điểm tổ chức cuộc họp thường niên của ADB vào năm ngoái.

Mùa màng thất bát, khí hậu nóng dần lên cùng với nhu cầu sử dụng nông sản để sản xuất nhiên liệu sinh học là những nguyên nhân chính làm thổi bùng ngọn lửa lạm phát.

Hiện các nước đang phát triển đang triển khai hàng loạt chính sách để giải quyết vấn đề này. Tại Syria, Chính phủ đã trả thêm 25% cho người làm việc trong khu vực nhà nước để xoa dịu những tác động của thị trường xáo trộn. Tổng thống Ai Cập cũng vừa tuyên bố tăng thêm 30% lương cho công chức.

Tháng trước, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã phải thành lập một nhóm đặc trách về khủng hoảng lương thực toàn cầu với nhiệm vụ đầu tiên là lấp đầy khoảng thâm hụt ngân quỹ 755 triệu USD của Chương trình Lương thực quốc tế (WFP) do giá lương thực leo thang gây ra. Theo WFP, sẽ có khoảng 100 triệu người thiếu ăn trong cuộc khủng hoảng này.

Lê Phương (Theo BBC)

;
.
.
.
.
.