Một kế hoạch dùng máy siêu tính và pháo cao xạ để cải thiện thời tiết Bắc Kinh trong suốt thời gian diễn ra Olympic 2008 tại thủ đô Trung Quốc đã được hoạch định
Kế hoạch ba pha
Để ngừa mưa trên sân vận động (SVĐ) quốc gia 91.000 chỗ ngồi không mái che tại Bắc Kinh (được gọi là SVĐ “Tổ chim”) - SVĐ chính tại Olympic Bắc Kinh 2008, chi nhánh Bắc Kinh của Cục điều chỉnh thời tiết thuộc Bộ Khí tượng Trung Quốc đã chuẩn bị một kế hoạch ba pha phục vụ Olympic.
Một khẩu đội “xua mưa” đang trình diễn trước giới truyền thông quốc tế - thao tác dùng pháo phòng không bắn muối iod bạc vào mây. |
Pha 1 (chuẩn bị): Khảo sát thời tiết của Bắc Kinh bằng vệ tinh, máy bay, rađa. Qua đó, với số liệu đo đạc được bằng máy siêu tính IBM p575 (9.800 tỷ phép tính một giây), Trung Quốc sẽ mô hình hóa diễn tiến thời tiết trên một vùng diện tích rộng tới 44.000 km2, đủ chính xác cho các dự báo theo giờ, trên từng cây số vuông.
Pha 2 (đánh chặn): Các kỹ sư thời tiết chỉ đạo mỗi tốp hai máy bay và 20 đơn vị pháo cao xạ, rốc-két được bố trí quanh Bắc Kinh bắn và phun muối iod bạc, nước đá khô vào bên trong những đám mây từ xa, làm cho chúng đổ mưa trước khi bay tới được SVĐ “Tổ chim”.
Pha 3 (đánh trực tiếp): Với những đám mây nặng đang bay trên bầu trời của “Tổ chim”, họ sẽ gieo một loại hóa chất làm co nhỏ thể tích của đám mây. Khi đó, tức là khi chúng đang bay qua sân vận động, nước trong mây không đủ nặng để rơi xuống thành mưa.
Qian, Giám đốc Cơ quan Điều chỉnh thời tiết Bắc Kinh giải thích: “Chúng tôi dùng một loại hóa chất làm lạnh, chế từ khí ni-tơ hóa lỏng để tăng số giọt nước trong đám mây và đồng thời giảm nhỏ kích thước của giọt nước. Kết quả là tốc độ ngưng tụ thành giọt lớn bị chậm lại và các giọt bị làm nhỏ không đủ nặng để gây mưa.”
Mưa sẽ không rơi xuống SVĐ quốc gia tại Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Olympic 2008. Ảnh: THX. |
Tháng tám là mùa mưa của vùng Đông Bắc Á, khả năng có mưa hàng ngày ở Bắc Kinh là 50%. Cho đến lúc này, các cuộc thử nghiệm làm tan mưa với các đám mây mọng nước không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng “với các đám mây nhẹ thì kết quả khá mỹ mãn”, Qian nói.
Cải sửa thời tiết dường như là một việc quá đáng. Nhưng nhiều người cho rằng, cũng chẳng quá đáng khi mà người Trung Quốc đang quyết tâm để biến kỳ Olympic năm nay trở thành cuộc biểu dương cho sự trỗi dậy của một siêu cường mới thế kỷ 21.
Kể từ năm 2001, khi Bắc Kinh được đăng cai tổ chức Olympic 2008, để xây dựng các công trình mới, Chính phủ Trung Quốc đã khởi chi 40 tỷ USD cho Bắc Kinh, đã huy động 120.000 công nhân ngoại tỉnh về thành phố với mức lương 130 USD/tháng.
Hôm nay, Bắc Kinh đang kiêu hãnh. Bởi bên cạnh SVĐ “Tổ chim” rộng mênh mông là hàng loạt các đại công trình cỡ như sân bay quốc tế mới, lớn hơn bất kỳ sân bay nào trên thế gian này. Người ta đếm được khoảng 300 tòa tháp mới, một số trong đó được các kiến trúc sư lừng danh nhất hành tinh thiết kế. Chúng mọc lên ngay trên những khu vực mà mới chỉ vài năm trước đây là những ngôi nhà gạch xen lẫn với những khu nhà hộp đơn điệu xây từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Trung Quốc đã sẵn sàng cho một kỳ Olympic thể hiện sự trỗi dậy của một siêu cường mới thế kỷ 21. Ảnh: THX. |
Dự án điều chỉnh thời tiết lớn nhất thế giới
Mặc dù người Trung quốc nắm trong tay một chương trình nghiên cứu điều chỉnh thời tiết đồ sộ nhất thế giới, nhưng họ vẫn cho rằng người Nga mới là người giỏi nhất trong lĩnh vực này.
Năm 1986, các nhà khoa học Nga đã triển khai chương trình cấy hóa chất vào mây nhằm phòng chống những cơn mưa mang chất phóng xạ từ Chernobyl rơi xuống Moscow. Năm 2000, họ cũng đã làm tan mưa trong lễ kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Lúc bấy giờ, chính Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã tận mắt chứng kiến kết quả. Sau khi về nước, ngay lập tức ông đã thúc giục triển khai một kế hoạch tương tự.
Tuy nhiên, vinh quang lịch sử dành cho người khai sáng ngành điều chỉnh thời tiết lại thuộc về nhà khoa học Mỹ Bernard Vonnegut. Ông là người đầu tiên, vào năm 1946, chứng minh các tinh thể của muối iod bạc có thể làm ngưng tụ hơi ẩm trong mây trời thành mưa. Suốt hai thập niên 1960 và 1970, Chính phủ Mỹ đã chi nhiều triệu USD cho các chương trình nghiên cứu điều khiển thời tiết.
Nhưng nói gì thì nói, tiếc thay, người ta phải thừa nhận rằng thời tiết quả thực là ví dụ mẫu mực về loại hệ thống siêu phức tạp. Một hệ thống từng được “Lý thuyết hỗn độn” mô tả hoa mỹ là “đôi cánh bướm đập trong rừng Amazon lại gây ra cơn cuồng bão tận Á châu”. Không một mô hình phân tích hay một phương pháp hiện có nào đủ cứ liệu thuyết phục rằng việc điểu chỉnh thời tiết đã thành công. Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ năm 2003 viết: “Cho đến nay, trên toàn thế giới, vẫn không có một bằng chứng khoa học đủ thuyết phục nào cho thấy tính hiệu quả của những cố gắng điều chỉnh thời tiết.”
Nhưng ngược lại, người Trung Quốc không tỏ chút nghi ngờ nào. Sau cuộc trình diễn năng lực điều chỉnh thời tiết của họ với thế giới tại Olympic Bắc Kinh vào tháng 8 tới đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ mở rộng Chương trình điều chỉnh thời tiết quốc gia và nâng cấp Cơ quan điều chỉnh thời tiết thành một bộ độc lập, với số kỹ sư thời tiết gấp đôi hiện nay.
HOÀNG QUANG TUYẾN (Nguồn: Tân Hoa Xã, TechRevew)