Sau khi tuyên bố nhậm chức, tân Tổng thống Libăng Michel Suleiman đã kêu gọi đoàn kết quốc gia sau 18 tháng tranh chấp nội bộ giữa các phe phái tại nước này. Ông Suleiman nói: “Chúng ta hãy đoàn kết và nỗ lực hòa giải. Chúng ta đã trả giá đắt cho sự thống nhất dân tộc của chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ sự thống nhất đó”.
Tân Tổng thống Libăng Michel Suleiman. |
Trước đó, chính phủ thân phương Tây và phe đối lập do Hezbollah đứng đầu đã nhất trí chọn ông Suleiman là ứng viên thỏa hiệp cho chức Tổng thống. Tuy nhiên, bất đồng về chia sẻ quyền lực giữa hai bên đã ngăn quốc hội Libăng bỏ phiếu, khiến đất nước này không có tổng thống kể từ khi ông Emile Lahoud mãn nhiệm tháng 11-2007. Do đó, việc bỏ phiếu bầu ông Suleiman là bước đi quan trọng, tiến tới việc chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đã bùng phát thành làn sóng bạo lực tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến ở giai đoạn 1975-1990 tại Libăng.
Chủ tịch quốc hội Nabih Berri cho hay, ông Suleiman đã nhận được sự ủng hộ của 118 trong tổng số 127 nghị sĩ. Chính phủ thân phương Tây và phe đối lập do Hezbollah đứng đầu đã thống nhất chọn ông Suleiman là ứng viên thỏa hiệp cho chức tổng thống. Tổng Tư lệnh quân đội Michel Suleiman được bầu làm Tổng thống đã mang lại niềm tin cho người dân Libăng vốn lo sợ rằng đất nước đang có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến. Amer Eido, (29 tuổi) cho biết: “Ông Suleiman sẽ là người cứu tinh. Ông ấy là hy vọng cho tương lai của Libăng. Tất cả người dân đều đặt hy vọng vào ông ấy và ông ấy sẽ mang lại sự thịnh vượng cho đất nước”.
Trong bài diễn văn sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Suleiman đã ca ngợi vai trò của Hezbollah do Iran và Syria hỗ trợ trong cuộc chiến chống Israel. Ông cũng kêu gọi thiết lập những quan hệ thân thiện hơn với Syria, là quốc gia đã chiếm đóng Libăng trong 29 năm cho đến năm 2005.
Sau khi bầu được Tổng thống mới, nội các của Thủ tướng Fuad Saniora đã tự động giải tán. Ông Suleiman đã yêu cầu ông Saniora làm Thủ tướng tạm quyền cho tới khi bổ nhiệm được thủ tướng và chính phủ thống nhất dân tộc mới. Với vai trò Tổng thống, ông Suleiman có ảnh hưởng hạn chế đối với chính sách của Chính phủ.
Ông phải đối mặt với một thách thức lớn là thống nhất các phe phái đối lập. Tuy nhiên, ông Suleiman cho biết, ông ủng hộ việc thành lập tòa án LHQ để điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Libăng Rafik Ariri. Các điều tra viên LHQ đã có ý cho rằng, Syria can dự vào vụ sát hại này, nhưng chính quyền Damas bác bỏ. Ông Suleiman cũng đã khuyến nghị các phe phái Libăng hãy thảo luận về một chiến lược chung để bảo vệ quốc gia. Mặc dầu những đảng phái thân phương Tây muốn Hezbollah phải giải thể lực lượng dân quân của họ, nhưng nhóm này vẫn bác bỏ yêu cầu này.
BĂNG CHÂU (Theo BBC, AP)