.

Châu Á cần xây dựng những thành phố bền vững

.

Ngày 25-6, tại Hội thảo về các thành phố thế giới tổ chức tại Singapore, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, các nước châu Á cần được nhanh chóng hỗ trợ xây dựng những thành phố có thể đối mặt với sự mở rộng đô thị “không lường trước” trong vòng hai thập kỷ tới.

Theo ADB, các thành phố châu Á cần tăng đầu tư cho phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Một khu nhà lụp xụp bên dòng sông ô nhiễm ở ngoại ô thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: AFP


Giám đốc ADB Haruhiko Kuroda cho biết, một nửa dân số châu Á sẽ sống ở thành phố vào năm 2020, điều đó đồng nghĩa với việc hơn 1,1 tỷ người nữa sẽ chuyển đến thành phố trong 20 năm tới. “Tốc độ đô thị hóa tại châu Á diễn ra nhanh chưa từng thấy. Điều này khiến việc vừa phải cung cấp việc làm, dịch vụ, vừa chăm lo đến chất lượng và môi trường sống trở thành một nhiệm vụ quá sức nặng nề cho các thành phố và chính quyền.
 
Đối với hầu hết các thành phố tại châu Á, tốc độ tăng trưởng quá nhanh khiến cơ sở hạ tầng không thể theo kịp và lợi ích của những dự án đầu tư mới không được phân bổ một cách công bằng”, ông nói. Mỗi năm, các thành phố thiếu khoảng 30 tỷ USD để duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đô thị. Điều này khiến đời sống và môi trường tại các đô thị lớn ngày càng xấu đi, hơn 500 triệu dân châu Á phải sống trong các khu ổ chuột và chịu những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận với hệ thống nước sạch và hệ thống vệ sinh cũng đang là một thách thức mới cho các thành phố này.

Theo dự đoán, đến năm 2015, hơn một nửa hiệu ứng nhà kính sẽ bắt nguồn từ châu Á. “Rõ ràng, các thành phố châu Á cần có sự hỗ trợ để đối phó với những tác động của sự phát triển đô thị nhanh chóng này. Họ cần tăng nguồn đầu tư cho phát triển hạ tầng bền vững”, ông Kuroda nhấn mạnh. Theo đề xuất của ADB, một trong những giải pháp dài hạn cho vấn đề này là khi mở rộng thành phố, chính quyền nên có kế hoạch phát triển các vùng ngoại ô để tránh nạn quá tải và các vấn đề về môi trường khác, đồng thời tập trung đầu tư vào đường sá, mạng lưới các cơ sở công cộng. Nhiều quốc gia đang phát triển trong vùng cần giới hạn lưu lượng xe lưu thông, phát triển dịch vụ xe buýt công cộng và khuyến khích người dân đi bộ và sử dụng xe đạp.
 
Các thành phố cần kiểm soát tốt hơn lượng rác thải và hệ thống xử lý tương ứng. Phát biểu trong buổi khai mạc sự kiện này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, bên cạnh những đề xuất của ADB, thì một cơ chế điều hành, quản lý tốt từ chính quyền sẽ là những nhân tố quan trọng để giải quyết những thách thức về phát triển bền vững mà các thành phố đang đối mặt.
 
Nó sẽ giúp tạo nên sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và chất lượng cuộc sống cho người dân thành thị. Tuy nhiên, để tạo sự bền vững chung cho cả khu vực, các quốc gia và thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm cùng xây dựng một môi trường khu vực xanh, sạch và bền vững. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng trao đổi kinh nghiệm của Singapore trong việc quản lý nguồn nước và quy hoạch đô thị để có thể tạo ra “một nền kinh tế bền vững và môi trường ổn định”.

LÊ PHƯƠNG (Theo AP và Tân Hoa xã)

;
.
.
.
.
.