.

CHDCND Triều Tiên bàn giao bản khai báo hạt nhân cho Trung Quốc

.

Chiều 26-6, CHDCND Triều Tiên đã bàn giao bản kê khai các chương trình hạt nhân cho Trung Quốc, nước chủ nhà của vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên. Đây là một bước tiến quan trọng có thể giúp CHDCND Triều Tiên được xóa tên khỏi danh sách các nước hậu thuẫn cho khủng bố của Mỹ.

Tháp giải nhiệt của cơ sở phản ứng hạt nhân Yongbyon của CHDCND Triều Tiên.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yu Myung-hwan cho biết, CHDCND Triều Tiên đã bàn giao bản khai báo cho các quan chức của Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ngay lập tức, Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh hành động của CHDCND Triều Tiên và tuyên bố sẽ bỏ lệnh cấm vận đối với nước này.

Là một bước ngoặt trong chặng đường tiến đến chấm dứt các tham vọng hạt nhân, động thái này còn có thể giúp đem lại sự công nhận của quốc tế cũng như nguồn nhiên liệu và các khoản viện trợ tối cần thiết để cải thiện nền kinh tế của đất nước. Việc bàn giao này là một phần trong đàm phán 6 bên nhằm giải trừ quân bị CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc đã tổ chức cuộc hội đàm 6 bên giữa CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và năm ngoái đã đạt được thỏa thuận về việc đổi các khoản viện trợ bằng việc vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân chính và công khai các chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Hồi đầu tuần này, Mỹ cho biết rằng ngày 26-6 là hạn chót CHDCND Triều Tiên phải nộp bản kê khai các chương trình hạt nhân của mình. Đổi lại, Washington sẽ tiến tới bãi bỏ các cấm vận đối với Bình Nhưỡng và xóa tên CHDCND Triều Tiên khỏi danh sách các nước hậu thuẫn cho khủng bố. Tổng thống Mỹ George Bush đã liệt CHDCND Triều Tiên, Iraq và Iran vào “trục ma quỷ” sau vụ tấn công khủng bố 11-9 vào nước Mỹ, cáo buộc các nước này về các chính sách hậu thuẫn khủng bố và theo đuổi các vũ khí hủy diệt. Việc được xóa tên khỏi danh sách đen của Mỹ sẽ nới lỏng các hạn chế về thương mại và mở đường cho các hợp tác khác với Mỹ, và sau cùng là giúp CHDCND Triều Tiên có thể tiếp xúc làm việc với Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice trong phát biểu trước báo giới tại Hội nghị Ngoại trưởng G8 hôm 26-6 ở Kyoto, Nhật Bản, rằng vẫn phải làm sáng tỏ liệu CHDCND Triều Tiên - cách đây 2 năm đã cho thử một thiết bị hạt nhân - có thực sự từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân hay không. Bà Rice nhấn mạnh rằng, bất kỳ phản ứng nào của Mỹ trước bản khai báo cũng phải dựa trên việc thẩm tra các tài liệu từ phía CHDCND Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ cho biết, 6 nước cũng đã thông qua các nguyên tắc cơ bản về việc tiến hành thẩm tra độ chính xác và hoàn chỉnh của bản khai báo.

Cùng với việc giao bản kê khai cho Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên được mong đợi sẽ phá hủy tháp giải nhiệt ở cơ sở hạt nhân Yongbyon. Đây là sự kiện nêu bật được cam kết của nước này với thỏa thuận đã ký kết. CHDCND Triều Tiên cũng đã mời các hãng thông tấn phương Tây đến đưa tin về sự kiện này.

Trong khi đó, Nhật Bản lại bày tỏ lo ngại về việc Mỹ xóa tên CHDCND Triều Tiên khỏi danh sách hậu thuẫn khủng bố trước khi việc nước này bắt cóc các công dân Nhật Bản được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, các quan chức cho biết họ ủng hộ các bước đi này của Mỹ. Năm 2002, CHDCND Triều Tiên đã thừa nhận bắt cóc 13 công dân Nhật Bản vào những năm 70 và 80. Bà Rice cho biết Washington, một đồng minh thân cận của Nhật Bản, nhất định sẽ xem xét vấn đề này, bởi đó không chỉ là mối lo ngại đối với Nhật Bản mà còn với cả nước Mỹ nữa.

HẠNH DUNG (Theo AP, Reuters)

;
.
.
.
.
.