.

Ông Bush chạy nước rút cho các kế hoạch trước lúc từ nhiệm

.

Hôm 16-6, Tổng thống Bush từ biệt Anh để bay về nước sau chuyến công du châu Âu cuối cùng kéo dài một tuần lễ. Đây là thời gian thích hợp để ông Bush tận dụng sức lực thúc đẩy những cái mà chính quyền của ông vẫn đang theo đuổi.
 

Những người biểu tình tuần hành trước quảng trường Quốc hội khi Tổng thống Bush bắt đầu chuyến thăm Anh hai ngày.


Trong suốt một tuần công du châu Âu, ông nói nhiều về những phương thức mà bản thân Mỹ đang “hội ý” với những nước khác trong việc xử lý các quốc gia đối đầu, trong đó đáng kể nhất là CHDCND Triều Tiên và Iran, đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. 

Cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Gordon Brown trong trạm dừng chân cuối cùng của chuyến công du châu Âu hôm qua (16-6), hai nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về các đề tài của cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, cũng như chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran. Anh vẫn là một đồng minh ủng hộ Mỹ mạnh mẽ nhất trong hai cuộc chiến này, mặc dù gặp không ít sự chống đối trong nước.
 
Trong lúc đang ở thăm Anh, Luân Đôn đã đón Tổng thống Bush bằng một cuộc tuần hành với khoảng 2.500 người biểu tình qua trung tâm thủ đô, gần địa điểm ông Bush và ông Brown dùng cơm tối. Một số người biểu tình đã lên án Tổng thống Bush là khủng bố. Cảnh sát đã bắt giữ 25 người biểu tình tìm cách xô đẩy để vượt qua một rào cản.
 
Theo tin của truyền thông Anh thì Chính phủ của Thủ tướng Brown có thể sẽ đặt ra thời hạn chót để buộc phải rút quân từ Iraq về nước. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết, cả Tổng thống Bush lẫn Thủ tướng Brown đều cam kết đưa binh sĩ về nước chỉ khi nào điều kiện thuận lợi.

Văn phòng Thủ tướng Anh đã hạ thấp kỳ vọng về cuộc gặp hôm 16-6 giữa Tổng thống Bush với Thủ tướng Gordon Brown khi nói rằng, hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo chỉ chung chung và khó mà đạt được một thỏa thuận cụ thể nào. Mặc dù ông Bush cam kết sẽ chạy nước rút để tới đích với một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho 6 tháng tại nhiệm cuối cùng, nhưng quan chức hai nước đều biết rằng ông Bush sẽ không thể đạt được kết quả nào. 

Theo tờ The Observer, Tổng thống Bush đã gửi “một thông điệp cứng rắn” tới Thủ tướng Brown, phản đối việc Anh có thể hấp tấp rút quân khỏi Iraq. Báo này trích lời người đứng đầu nước Mỹ tuyên bố: “Tôi tin rằng ông Brown, cũng như tôi, sẽ lắng nghe các sĩ quan chỉ huy bảo đảm rằng các binh sĩ của chúng ta đã không hy sinh vô ích”. Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Anh cũng bác bỏ thông tin nói Anh và Mỹ bị chia rẽ, và cho biết, Thủ tướng Brown chưa có kế hoạch ấn định lịch trình rút quân.

Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân Iran vẫn là một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc hội đàm giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Gordon Brown. Ông Bush muốn gây sức ép với châu Âu ủng hộ việc thắt chặt cấm vận với Iran nếu nước này tiếp tục thách thức LHQ về chương trình hạt nhân. Sự chú ý được tập trung vào sáng kiến mới đây của EU, đề nghị giúp Iran ngừng chương trình làm giàu uranium, song cả Nhà Trắng lẫn Phố Downing đều không kỳ vọng có được một bước đột phá mới.       

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.