.

Thế giới bàn cách đối phó tình trạng khủng hoảng lương thực

.

Bắt đầu từ ngày 3 đến 6-6, hơn 40 nguyên thủ các nước hoặc lãnh đạo Chính phủ sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Rome, Italia để bàn cách giải quyết tình trạng khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên thế giới, đẩy 100 triệu người vào cảnh đói, gây bất ổn chính trị và xã hội, khiến cuộc chiến chống đói nghèo thụt lùi 7 năm.

Thủ tướng Nhật Fukuda (giữa) tham gia hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi ở Yokohama.

Trước khi diễn ra hội nghị, hôm qua (1-6), Thủ tướng Fukuda của Nhật, một trong những nước xuất khẩu gạo lớn đã có chuyến công du 5 ngày tới châu Âu để hội đàm với các nước về cuộc chiến chống khủng hoảng lương thực thế giới. Theo dự kiến, sau khi hội đàm với Thủ tướng Đức Merkel, ông Fukuda sẽ bay thẳng tới London trong ngày hôm nay (2-6) để có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Gordon Brown trước khi đến Rome vào ngày mai (3-6) tham dự hội nghị về khủng hoảng lương thực thế giới do Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) tổ chức.

Ông Fukuda cho biết: “Tôi muốn trao đổi các quan điểm về ảnh hưởng của giá dầu vào nền kinh tế và về vấn đề khủng hoảng lương thực”. Tuần trước, tại một hội nghị thượng đỉnh với các nước châu Phi, Nhật Bản đã hứa sẽ viện trợ khẩn cấp 100 triệu USD cho lục địa đen chống lại đói nghèo trong vòng 10 năm. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ xuất khẩu 200.000 tấn gạo cho Philipines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Theo Reuters, tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome vào ngày mai (3-6), các nhà lãnh đạo sẽ họp bàn tìm cách giảm những thiệt hại mà người nghèo trên toàn thế giới phải hứng chịu, bảo đảm trái đất có thể tạo ra nhiều lương thực hơn nhằm cung cấp cho dân số ngày càng tăng. Ông Jacques Diouf, lãnh đạo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) nói rằng: “Bây giờ là thời điểm hành động”. Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề bằng việc tuyên bố dành 1,2 tỷ USD để cho vay và giúp đỡ các nước đang vật lộn với giá lương thực, nhiên liệu.

Ông nói: “Điều quan trọng là chúng ta cần tập trung vào những hành động cụ thể. Đó không phải là vấn đề giống như HIV/AIDS, lĩnh vực mà bạn cần có đột phá về nghiên cứu. Mọi người biết phải làm gì”. Một báo cáo của FAO nói rằng, giá lương thực sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong thập niên tới, ngay cả khi nó rơi khỏi mức kỷ lục như hiện nay. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, người đã lập riêng một đội công tác, cũng sẽ có mặt tại hội nghị cùng với các nhà lãnh đạo của Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Brazil, Argentina và một số nước châu Phi.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ngoài những phát biểu đáng giá về đấu tranh chống đói nghèo của các nước tham dự, hội nghị cũng có thể làm bộc lộ những bất đồng giữa các vấn đề liên quan tới lương thực và đói nghèo như thương mại tự do, nhiên liệu sinh học và sinh vật biến đổi gene. Ông Diouf cho biết: “Các vấn đề của thế giới phức tạp hơn nhiều chứ không phải chỉ nói cái gì tốt, cái gì xấu. Việc chuyển khoảng 100 triệu tấn ngũ cốc thành nhiên liệu sinh học chắc chắn sẽ tác động lên giá
lương thực”.

ĐOÀN LƯƠNG (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.