.

Thế giới đang trả giá cho việc bỏ sót đầu tư nông nghiệp

.

Tổng thư ký Liên Hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã hối thúc các quốc gia phải nắm bắt lấy “cơ hội lịch sử để tái sinh lại nền sản xuất nông nghiệp” và xem đây như là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh tại Rome (Ý) do LHQ tổ chức ngày 3-6, Ban Ki-moon cho rằng đến năm 2030, sản lượng lương thực sẽ phải tăng thêm 50% thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, các hạn chế về xuất khẩu và thuế nhập khẩu phải được giảm đến mức tối thiểu để xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay, khi mà giá lương thực đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua và gây ra nhiều vụ xung đột tại các nước trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay được cho là đã đẩy 100 triệu người trên khắp thế giới lâm vào nạn đói.
Ảnh: Reuters

Ông Ban thừa nhận tại hội nghị rằng “chúng ta đang thực sự phải trả giá cho việc bỏ sót đầu tư cho nông nghiệp”, và đưa ra lời khuyến cáo “nếu không được xử lý một cách đúng đắn, vấn đề này có thể sẽ châm ngòi cho hàng loạt các cuộc khủng hoảng khác có tác động xấu đến sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và thậm chí cả an ninh chính trị trên toàn thế giới”.

Các nguyên nhân chính của việc tăng giá lương thực bao gồm nhu cầu ngày càng tăng của các nước đang phát triển nhanh, giá dầu tăng cao và sự nóng lên toàn cầu.

Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) đã cảnh báo các nước công nghiệp rằng nếu họ không tăng vụ mùa, xóa bỏ rào cản và cung cấp lương thực cho những vùng đang hết sức thiếu thốn thì có thể thế giới sẽ phải gánh chịu một thảm họa toàn cầu. Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay được cho là đã đẩy 100 triệu người trên khắp thế giới lâm vào nạn đói. FAO đang ra sức kêu gọi các quốc gia viện trợ hãy nỗ lực hơn nữa để giúp người nông dân ở các nước đang phát triển có thể mua được phân bón, hạt giống và thức ăn cho gia súc. Tổ chức này cho biết, sẽ không thể tiếp tục làm ngơ trước vấn đề kinh niên từ trước đến nay là việc thiếu đầu tư cho nông nghiệp.

Trước khi diễn ra hội nghị, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo đã tuyên bố tại một cuộc họp ở Ả rập Xê-út rằng ngân hàng này sẽ chi 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm để các nước Hồi giáo kém phát triển nhất đối phó với khủng hoảng lương thực.

Theo dự kiến, Ủy ban hậu cần do ông Ban Ki-moon lập ra nhằm giải quyết khủng hoảng lương thực sẽ trình bày một bản báo cáo 38 trang về các giải pháp mà ước tính sẽ tốn khoảng 15 tỷ USD để triển khai. Ủy ban này cũng sẽ kêu gọi giảm thuế xuất nhập khẩu và trợ cấp cho các nông dân nghèo.

NI NA (Theo IHT, BBC)

;
.
.
.
.
.