.

Thỏa thuận ngừng bắn hay “khoảng lặng” của Israel và Hamas?

.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Israel và phong trào Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn trong sáu tháng. Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (19-6). Theo các quan chức của Hamas và Ai Cập, 3 ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, Israel phải mở cửa các chốt kiểm soát ở dải Gaza để đưa thêm hàng tiếp tế vào phần đất này.

Lãnh đạo nhóm Hamas Mahmoud Zahar (trái) tại một cuộc họp báo ở Gaza City.


Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Casey đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn, nhưng ông nói rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel-Hamas vẫn không làm thay đổi thái độ của Chính phủ Mỹ về việc xem Hamas là một tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho biết, hãy còn quá sớm để tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn, và rất khó biết chắc thỏa thuận này sẽ kéo dài trong bao lâu.

Dù sao nỗ lực trung gian hòa giải của Ai Cập và sự mong đợi của cộng đồng quốc tế cũng phần nào có kết quả. Mặc dù không ít người vẫn còn hoài nghi liệu rocket có ngừng rơi trên lãnh thổ Israel và máu có còn đổ trên mảnh đất Dải Gaza, nhưng thỏa thuận ngừng bắn trên cũng đã phần nào thể hiện sự thay đổi quan trọng của người Israel.

Trước khi có cuộc thương lượng dưới sự trung gian của Ai Cập, Thủ tướng Israel Ehud Olmert, thể theo tham vấn của Mỹ, luôn thẳng thừng khước từ đàm phán với Hamas bởi trong mắt họ đó là một tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, giờ đây ông Olmert đã chấp nhận đối thoại gián tiếp bởi Israel nghĩ rằng, mở chiến dịch lớn tấn công vào Gaza cũng chỉ khiến thêm nhiều máu chảy, tốn nhân mạng chứ không thể thủ tiêu được lực lượng Hamas. Hơn nữa, thỏa thuận ngừng bắn, một khi có hiệu lực, cũng sẽ khiến người Israel sống tại các thị trấn giáp Gaza dễ thở hơn.

Trong năm qua, khu vực này hứng hàng trăm quả rocket, khiến nhiều người chết và hàng chục người khác bị thương. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử dai dẳng của cuộc xung đột, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu thỏa thuận ngừng bắn sống được bao lâu? Không phải không có lý khi cả hai bên đều gọi thỏa thuận ngừng bắn là “khoảng tĩnh lặng”. Hamas muốn các điểm ra vào Dải Gaza được mở cửa. Israel muốn binh sĩ Gilad Shalit bị bắt được trả tự do và hy vọng người Ai Cập sẽ nỗ lực chặn các hoạt động buôn lậu vũ khí vào Dải Gaza...

Và tất nhiên, giông tố chỉ không nổi khi Hamas “ghìm cương” được các tay súng của mình không bắn rocket vào lãnh thổ Israel. Liệu, sau thỏa thuận ngừng bắn này, Hamas có “dừng tất cả các hoạt động quân sự và thù địch”? Liệu Ai Cập có dẹp được nạn buôn lậu vũ khí? Liệu Israel có đáp ứng được những yêu cầu của Hamas?  Do đó, không ít người sợ rằng, đây đơn giản chỉ là “khoảng thời gian tạm lắng cần thiết” trước khi diễn ra một thế đối đầu quân sự không thể tránh khỏi. 

GIA HUY

;
.
.
.
.
.