Các bộ trưởng năng lượng của nhóm G8 sẽ có cuộc hội đàm với các đại diện đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ vào chủ nhật tuần này để thảo luận các giải pháp đối phó với tình trạng leo thang của giá dầu, than đá và khí gas tự nhiên - mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trước khi cuộc họp chính thức với sự hiện diện đầy đủ của các thành viên tham dự hội nghị, đại diện của Mỹ, Nhật Bản và 3 nước nói trên sẽ gặp gỡ tại thành phố Aomori phía Bắc Nhật Bản vào ngày 7-6 với các cuộc hội đàm về năng lượng đứng đầu chương trình nghị sự.
Cuộc họp kéo dài 2 ngày này diễn ra trong bối cảnh thị trường dầu thô đang lâm vào tình trạng mất ổn định nhất từ trước đến nay và làn sóng bất bình của dân chúng đang dấy lên khi chính phủ nước họ không thể giảm nhẹ cơn sốt giá này.
Người dân ở thành phố Allahabad, Ấn Độ biểu tình phản đối giá dầu tăng cao. (Ảnh: Reuters) |
Đây là cuộc gặp thứ hai giữa 5 nước này sau cuộc họp đầu tiên ở Bắc Kinh tháng 12-2006 đã không đưa ra các biện pháp hành động dứt khoát. Cuộc gặp gỡ tại Aomori lần này sẽ dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh các nước G8 được tổ chức tại đảo Hokkaido, Nhật Bản từ ngày 7 đến 9-7.
Giá dầu thô đã đạt mức tăng kỷ lục - hơn 10 USD trong vòng một ngày và hiện đang ở mức 139 USD/thùng. Giới phân tích cho biết đền tháng bảy năm nay con số này có thể lên đến 150 USD/thùng do nhu cầu tăng cao và căng thẳng chính trị gây ra.
Các bộ trưởng cũng hướng tới việc thúc ép các nhà cung cấp dầu thô phải thể hiện hơn nữa để chứng minh về sự tồn tại của nguồn dự trữ dầu có thể đáp ứng nhu cầu lâu dài trong tương lai.
Trong khi đó, các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lại thường xuyên bỏ ngoài tai những lời kêu gọi tăng sản lượng dầu thô với lời giải thích rằng hiện nay thị trường đã được đáp ứng đầy đủ và họ chỉ sẵn sàng khai thác thêm các mỏ dầu một khi đã chắc chắn về nguồn cầu.
Theo báo giới, nguyên nhân giá dầu tăng cao còn do các đe dọa tấn công của Israel đối với các chương trình hạt nhân của Iran. Theo Bộ trưởng giao thông Israel Shaul Mofaz, một cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất hạt nhân của Iran là điều khó tránh khỏi. “Nếu Iran còn tiếp tục các chương trình vũ khí hạt nhân của họ thì chúng tôi sẽ phải ra tay.”
Ni Na (Theo IHT, BBC)