.
Tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu

Bất đồng và bế tắc

.

Hội nghị Dầu mỏ được triệu tập vội vàng với sự tham gia của Bộ trưởng Năng lượng từ 35 quốc gia đã kết thúc ngày 22-6 trong bầu không khí bất đồng và không có chương trình hành động cụ thể trong thời gian đến.

Chỉ có duy nhất một lời hứa từ Ả rập Xê-út là sẽ tăng sản lượng dầu mỏ khi bị Mỹ và các cường quốc khác gia tăng sức ép.

Bộ trưởng Năng lượng các nước tại hội nghị.
Người Ả rập xem hội nghị là một thành công lớn, bởi số lượng khách mời tham dự đông đủ và ai cũng cam kết sẽ luôn cố gắng nâng sản lượng trong thời gian đến. Nhưng thay vì tìm kiếm những tiếng nói chung và đề ra lộ trình hợp tác cụ thể thì các đại biểu tham dự lại trình bày những quan điểm khác nhau về nguyên nhân giá dầu tăng gấp đôi trong năm vừa qua, còn nước chủ nhà thì cố biện minh rằng họ không có trách nhiệm nhiều trong cuộc khủng hoảng này.

Theo các quốc gia tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Anh, Nhật, tăng nguồn cung cấp dầu sẽ là câu trả lời thích hợp nhất trong bối cảnh hiện nay nhưng những nhà sản xuất dầu mỏ, đứng đầu là Ả rập Xê-út lại cho rằng việc tăng sản lượng này chưa chắc đã là giải pháp “gốc rễ” cho việc tăng mạnh của giá dầu. Bộ trưởng Dầu mỏ Ả rập Xê-út Ali al-Naim tuyên bố tại Hội nghị: “Ả rập Xê-út sẵn sàng sản xuất thêm nhiều dầu nếu khách hàng cần.
 
Chúng tôi có kế hoạch tăng khoảng 9,7 triệu thùng/ngày vào đầu tháng 7 và đã dự thảo kế hoạch tăng đến 12,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, giá dầu tăng không phải là do thiếu nguồn cung cấp mà chủ yếu là do đầu cơ tích trữ, thuế cao và lượng tiêu thụ ngày càng gia tăng tại các nước phát triển. Mỗi quốc gia cần có những biện pháp cụ thể để “vượt qua những điều kiện khó khăn này”.

Đồng tình với quan điểm này, Vua Adullaha của Ả rập Xê-út nhấn mạnh, các nhà đầu cơ là nguyên nhân chính của việc tăng giá dầu và ông kêu gọi Bộ trưởng Năng lượng các nước hãy có những biện pháp cụ thể để đối phó với vấn nạn này. Ông cũng cho rằng, thế giới không nên đổ lỗi cho các nước sản xuất dầu mỏ, mà đặc biệt là Ả rập Xê-út, vì những biến động giá dầu trong thời gian qua.

Tuy nhiên, quan điểm này vẫn gặp phải sự phản ứng mạnh từ các nước. Theo cựu Thủ tưởng Anh Tony Blair và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Samuel Bodman, chẳng có bằng chứng nào cho thấy đầu cơ là cốt lõi của vấn đề. Chính cầu tăng nhanh hơn cung mới là nguyên nhân chính.

Để tạo ra bầu không khí đồng thuận, các đại biểu đã kêu gọi các nước hãy hợp tác, hoạch định kế hoạch hợp tác toàn cầu cho phép “tìm kiếm sự tương đồng mạnh hơn giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng”, trong đó bao gồm cả tự do nhiều hơn trong việc đầu tư vào thị trường năng lượng của một nước khác. Ngoài ra, hội nghị còn kêu gọi cần minh bạch hóa và có nhiều chế tài kiểm soát các thị trường năng lượng hơn nữa.
 
Dù biết dầu tăng giá mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu nhưng khi được chất vấn về các biện pháp giúp kiềm chế khủng hoảng trong ngắn hạn và dài hạn thì các Bộ trưởng đều im lặng và tỏ vẻ bất lực.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, các đại biểu tham gia hội nghị vẫn không tìm được sự đồng thuận đáng có. Vẫn còn sự tách biệt giữa quan điểm của người sản xuất và tiêu dùng. Hội nghị này dường như chỉ là một biện pháp tình thế, tìm kiếm sự đồng thuận tạm thời, một biện pháp trấn an tạm thời, bởi ai cũng ngầm hiểu sẽ rất khó để đưa ra những giải pháp nhanh, hiệu quả cho vấn đề mang tính toàn cầu này. Phản ứng trước những diễn biến tại hội nghị này, giá dầu trên các thị trường New York và Tokyo hôm qua (23-6) vẫn tăng nhẹ.
            
Lê Phương (Theo IHT, Time)

;
.
.
.
.
.