Tòa án Tối cao Mỹ hôm 12-6 đã cho phép những tù nhân nước ngoài bị giam giữ tại căn cứ Hải quân Mỹ tại vịnh Guantanamo (Cuba) được quyền khiếu nại việc giam giữ họ tại các tòa án dân sự Mỹ.
Bên trong nhà tù Guantanamo. |
Phản ứng với động thái trên, Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Mỹ George Bush - đang trên đường công du châu Âu - đã tỏ vẻ không đồng ý với phán quyết của Tòa án Tối cao bởi đã không giữ cho người Mỹ được an toàn và cho biết Nhà Trắng sẽ nghiên cứu liệu những quy định khác có phù hợp với quyết định đó hay không. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Gates cho biết bộ cũng sẽ xem xét phán quyết trên của Tòa án.
Với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Tòa án tối cao Mỹ đã cho phép những phạm nhân quốc tế tại Guantanamo “được hưởng những quyền hiến pháp quy định, có cơ hội khiếu nại về số phận của mình trước các thẩm phán Tòa án liên bang Mỹ”. Thẩm phán tòa Tối cao Anthony Kennedy nói: “Chúng ta cần cho những bị đơn này những quyền cơ bản được pháp luật đảm bảo, bởi pháp luật và Hiến pháp được xây dựng để tồn tại, có hiệu lực, đặc biệt là trong những thời điểm bất thường như thế này”. Ngoài ra, các quan tòa còn cho rằng, căn cứ Quantanamo được vận hành như những nhà tù khác trên đất Mỹ nên những tù nhân ở đây phải có những quyền lợi như những tù nhân Mỹ khác.
Quyết định trên của Tòa án tối cao là một “gáo nước lạnh” thứ ba “dội” vào những chính sách chống khủng bố của tổng thống Bush. Trong những năm 2004 và 2006, cơ quan xét xử cao nhất này đã quyết định các tù nhân Guantanamo có thể ra trước tòa án dân sự yêu cầu chính phủ phải thẩm tra lại việc tiếp tục giam giữ họ. Tuy nhiên, lần nào chính quyền Bush và Quốc hội (lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa) cũng sửa đổi luật để ngăn chặn việc tiếp cận tòa án dân sự của những người bị bắt giữ.
Hiện tại nhà tù này còn khoảng 275 tù nhân bị giam giữ mà không có thời hạn xét xử bởi họ bị liệt vào danh sách những kẻ thù nguy hiểm hoặc có liên hệ trực tiếp với mạng lưới khủng bố Al-Qaida và Taliban. Những tù nhân ở đây cho biết họ luôn bị đối xử hà khắc và thiếu công bằng.
Lê Phương (Theo THX)