.

Tổng thống Bush đi châu Âu từ biệt

.

Vào 7 giờ sáng 9-6 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Bush đã rời Nhà Trắng, bắt đầu chuyến công du cuối cùng kéo dài 6 ngày tới châu Âu trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng giêng tới. Slovenia sẽ là điểm dừng chân đầu tiên của ông Bush để tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của EU và Mỹ, trước khi ông bay tới Đức, Italia, Vatican, Pháp và Anh.

Tổng thống Mỹ Bush bắt đầu chuyến công du tạm biệt châu Âu hôm 9-6.


Một số vấn đề trọng tâm được ông Bush quan tâm trong chuyến đi lần này là chương trình hạt nhân của Iran, kêu gọi viện trợ cho Afghanistan và thúc đẩy các nước hợp tác hơn nữa trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley nói rằng, chúng ta hãy cùng hành động và thúc giục các nước khác gây áp lực với Iran về vấn đề hạt nhân. Chúng tôi nghĩ đó là một nhân tố quan trọng của giải pháp.

Những vị Tổng thống sắp mãn nhiệm có xu hướng công du vòng quanh thế giới để chào tạm biệt và các nước chủ nhà lịch thiệp có xu hướng không nhấn mạnh vào những sự bất đồng mà chỉ nhằm vào các mối quan hệ mang tính lịch sử. Tuy nhiên, cuộc chiến Iraq là một sự chia rẽ trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như giữa các Chính phủ châu Âu. Tại nhiều thủ đô của các nước châu Âu, cuộc chiến Iraq được coi là một sai lầm mang tính lịch sử mặc dù giờ đây người ta sẵn sàng chấp nhận rằng đã vớt vát được một thứ gì đó từ cuộc chiến này sau khi tình hình Iraq được cải thiện hơn trước.

Một thất vọng nữa là một Nhà nước Palestine mà ông Bush trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên ủng hộ vẫn chưa trở thành hiện thực. Ngoài Iraq và Trung Đông, nơi hy vọng về dân chủ của ông Bush bị sa lầy, vấn đề lớn hơn là Mỹ và châu Âu sẽ hướng tới đâu. Hiện Mỹ và châu Âu vẫn bị ràng buộc với nhau bởi những lợi ích toàn cầu, trong đó có kinh tế và chống khủng bố quốc tế. NATO vẫn tồn tại mặc dù trong một châu Âu lý tưởng, sẽ không cần có NATO. Trong tương lai, châu Âu sẽ có một chính sách quốc phòng chung và Pháp sẽ thúc đẩy tiến trình này trong suốt thời gian làm chủ tịch EU, bắt đầu từ tháng 7 tới. Và vấn đề này cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống kế tiếp của Mỹ.

Trong khi các nước châu Âu đang dồn sự quan tâm vào cuộc đua vào Nhà Trắng của Thượng nghị sĩ Barack Obama với hy vọng những điều tốt đẹp từ vị Tổng thống Mỹ kế tiếp thì chuyến thăm từ biệt châu Âu của ông Bush dường như bị lu mờ. Một cuộc thăm dò của tờ Daily Telegraph của Anh, cho thấy tại Anh, Pháp, Đức và Nga, ngày càng có nhiều người coi Mỹ là một thế lực xấu xa hơn là tốt đẹp. Chỉ duy nhất ở Italia, hình ảnh của Mỹ mới tốt hơn.

Và 52% người dân ở 5 quốc gia châu Âu này mong Thượng nghị sĩ Barack Obama trở thành vị Tổng thống kế tiếp của Mỹ. Xu hướng này cho thấy tâm trạng ở châu Âu là tâm trạng mong muốn sự thay đổi mặc dù các quốc gia thuộc Liên Xô cũ có quan điểm tích cực hơn về chính quyền Bush so với các nước Tây Âu.
                        
GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.