.

Tổng thống “xe ủi đất” và chặng đường gian nan

.

Niềm tin và sự ủng hộ của người dân Hàn Quốc đối với vị Tổng thống Lee Myung-bak giờ đây giảm đáng kể chỉ sau hơn 100 ngày nắm quyền. Và chặng đường sắp tới của vị Tổng thống có biệt danh “xe ủi đất” này xem ra sẽ rất gian nan.

Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố không chấp nhận cho nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi của Mỹ. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nắm quyền vào tháng 2-2008 với cam kết thúc đẩy nền kinh tế đất nước bằng kinh nghiệm của một doanh nhân. Tuy nhiên, sau 100 ngày nắm quyền, ông Lee Myung-bak phải đối mặt với những cuộc biểu tình chung quanh việc nhập khẩu thịt bò của Mỹ và tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho ông giảm đáng kể.

Theo một cuộc thăm dò do báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc công bố, tỷ lệ người dân nước này ủng hộ Tổng thống Lee Myung-bak từ 52% lúc mới lên nắm quyền nay đã giảm xuống mức dưới 20%, dao động ở mức từ 19,7 đến 22,9%. Đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Hàn Quốc kể từ khi các cuộc bầu cử công khai bắt đầu diễn ra tại đất nước này trong 20 năm qua. Người tiền nhiệm của Tổng thống Lee là ông Roh Moo-hyun cũng từng “thỏa mãn” với mức tín nhiệm 40% đến 50% trong 100 ngày đầu cầm quyền.

Theo các nhà phân tích, tỷ lệ ủng hộ đương kim Tổng thống Hàn Quốc sụt giảm chủ yếu là do quyết định đơn phương của Chính phủ, dưới sự điều hành của ông Lee, xúc tiến kế hoạch gây tranh cãi về nhập khẩu thịt bò của Mỹ bất chấp việc người dân đang rất lo lắng trước bệnh dịch bò điên và an toàn thực phẩm. Việc người dân phản đối nhập khẩu thịt bò Mỹ sau đó được mở rộng thành một cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Lee.

Các cuộc thăm dò cho thấy, hình ảnh một vị giám đốc điều hành Công ty xây dựng Hyundai có thể làm mọi việc và từng mang về cho ông Lee biệt danh “xe ủi đất” cũng như đưa ông lên tiếp quản Nhà Xanh hiện chỉ được coi như mác của một nhà lãnh đạo không có thời gian để lắng nghe hay nói chuyện với công chúng.

Hàn Quốc cấm thịt bò Mỹ trong 3 năm, kể từ năm 2003 sau đợt bùng phát bệnh bò điên ở Mỹ. Khó khăn của ông Lee Myung-bak bắt đầu từ ngày 18-4-2008, chỉ vài giờ sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ G.W.Bush tại Trại David nhằm thúc đẩy mối quan hệ với Washington. Hai nước đã tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ nối lại việc nhập khẩu thịt bò của Mỹ.
 
Tuyên bố này là một nỗ lực để giành lấy sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ cho một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước nhưng lại làm dấy lên căng thẳng ở Hàn Quốc. Người dân Hàn Quốc cho rằng, ông Lee đã hành động vội vàng và phớt lờ cả sự lo lắng của họ về vấn đề sức khỏe, không hề đếm xỉa tới sức khỏe của người tiêu dùng. Nhiều người thậm chí còn chỉ trích Tổng thống đã bỏ qua việc trưng cầu dân ý trong vấn đề đàm phán về thịt bò của Mỹ.
 
Hơn nữa, làn sóng chỉ trích đã không ngừng cho rằng, ông Lee đã hành xử như một vị giám đốc điều hành mà ông đã từng đảm nhiệm, chứ không phải là Tổng thống của một đất nước, xem người Hàn Quốc như những công nhân hơn là những công dân. 

Biểu tình ở Seoul nhằm phản đối việc nhập khẩu thịt bò của Mỹ. (Ảnh: AP)


Đứng trước những khó khăn và áp lực từ những người biểu tình, Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ ngừng xuất khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi sang khu vực châu Á và tuyên bố sẽ tạm ngừng nhập khẩu sản phẩm này cho đến khi nhận được sự phản hồi từ phía Mỹ. Trước đó, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cũng đã tuyên bố quyết định hoãn công bố các quy định tạo thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu thịt bò Mỹ.

Hàn Quốc đang chật vật để thông qua một hiệp định thương mại tự do quan trọng với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Seoul mong muốn Quốc hội Mỹ thông qua hiệp định này - một thỏa thuận sẽ làm tăng thêm 20 tỷ USD/năm cho thương mại hai chiều. Song, điều này lại mở ra cơ hội vàng để các đối thủ chính trị công kích ông Lee Myung-bak.
 
Và khi ông phải đối diện với thử thách lớn nhất kể từ khi nhậm chức, cam kết phát triển kinh tế đạt 6% trong năm 2008 không những sẽ khó thành hiện thực mà còn cả kế hoạch cải tổ đầy tham vọng cũng sẽ vấp phải không ít thách thức.

PHƯƠNG THẢO

;
.
.
.
.
.