Tuần tới, hội nghị điều chỉnh giá dầu của các nước tiêu thụ và sản xuất dầu (OPEC) sẽ diễn ra vào ngày 22-6 do Ảrập Xêút - quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - chủ trì, nhằm tập trung tìm cách đối phó với giá dầu đang tăng cao.
Người dân Trung Quốc xếp hàng đợi mua dầu tại một trạm xăng dầu ở tỉnh An Huy. |
Tuy nhiên, mới đây Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez tuyên bố rằng, nước này sẽ không dự cuộc họp của các nước OPEC diễn ra vào tuần tới và thấy không cần thiết phải tăng sản lượng dầu.
Theo ông Rafael Ramirez, OPEC không cần phải nhóm họp sớm - trước cuộc họp dự định là tháng 9 - để thảo luận về giá dầu. Ông nói: “Chúng tôi sẽ có quyết định của mình về sản lượng trong khuôn khổ OPEC. Hiện giờ Venezuela thấy rằng không cần thiết phải tăng sản lượng”.
Ảrập Xêút, đồng minh của Mỹ, dự định tăng sản lượng lên 9,7 triệu thùng dầu một ngày vào tháng 7 tới, tăng hơn 6% so với mức tháng 5 và lên tới mức cao nhất kể từ năm 1981. Thông tin này giúp giá dầu giảm nhẹ trong vài ngày gần đây.
Tuy nhiên, Venezuela, quốc gia chống Mỹ trong OPEC, đồng thời là nguồn cung cấp nhiên liệu lớn cho nước này, không có kế hoạch tăng sản lượng dầu và chỉ có ý định thay đổi theo một thỏa thuận trong OPEC về việc thay đổi sản lượng. Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela nói rằng, vấn đề giá dầu cao đối với các nước tiêu thụ dầu không phải do sản lượng. Venezuela và các thành viên OPEC liên tục cho rằng tình trạng đầu cơ, căng thẳng về địa chính trị và đồng đôla yếu đã khiến giá dầu tăng.
Trong thời gian qua, các nước sản xuất và tiêu thụ dầu vẫn đổ lỗi cho nhau, nhưng nội các Ảrập Xêút với người đứng đầu là Quốc vương Abdullah đề xuất tăng sản lượng dầu nhằm đưa các bên xích lại gần nhau sau khi giá dầu tăng vọt thêm hơn 16 USD một thùng. Trước đó, các đại diện của hai phía, nhà sản xuất và nhà tiêu thụ, đã gặp nhau tại Rome vào tháng 4 nhưng không thể nhất trí về vấn đề giá dầu đang tăng quá cao, dù thời điểm đó giá dầu thấp hơn mức hiện nay khoảng 20 USD.
Các nước xuất khẩu dầu tuyên bố, họ đã cung cấp đủ dầu và họ không phải là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này leo thang. Ngoài ra, chính các nước này cũng không muốn giá dầu làm ảnh hưởng tới nền kinh tế. Và rằng, nguồn đầu tư khổng lồ, góp phần làm giá dầu và các hàng hóa tăng cao, cần phải chế ngự. Một nguồn tin từ ngành dầu mỏ tiết lộ: “Ảrập Xêút thực sự quan tâm và muốn các bên liên quan đóng góp, đưa ra đề xuất nghiêm túc trong việc kiểm soát đầu cơ”.
Tổng Thư ký OPEC Abdullah al-Badri cho biết, hai ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng được mời tham dự hội nghị. Các ngân hàng như Goldman và Morgan là những ngân hàng khá nổi tiếng trong nhóm từng tuyên bố, những yếu tố cơ bản trên thị trường dầu lửa là nhân tố chủ chốt khiến giá cả tăng. Hồi tháng 5, Goldman nâng giá dầu dự báo vào đúng ngày mà Ảrập Xêút sẽ tăng cung cấp. Dự báo của Goldman đã “dìm chết” những tín hiệu mà Ảrập Xêút gửi tới thị trường và đẩy giá dầu lên tới mức kỷ lục.
BĂNG CHÂU (Tổng hợp)