Tổng thống Mỹ G.W.Bush thực hiện chuyến công du châu Âu lần cuối cùng trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng nhằm hàn gắn những rạn nứt giữa ông và những nhà lãnh đạo phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Song, chuyến công du suốt một tuần của ông bị cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra làm lu mờ.
Tổng thống Bush và phu nhân Laura đến Berlin, Đức (Ảnh: Reuters) |
Trên bãi cỏ của lâu đài Brdo từ thế kỷ thứ 16 ở Slovenia, Tổng thống Bush đã ngắm nhìn cuộc trình diễn đẹp mắt của những chú ngựa Lipizzaner - một giống ngựa nổi tiếng với dáng đi thanh nhã. Điểm nhấn của chuyến công du này chính là Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Mỹ tại Slovenia, nơi ông Bush đã khẳng định rằng: “Thật quan trọng để Mỹ xích lại gần EU và cùng nhau hợp tác giải quyết các vấn đề”.
Đối với vị Tổng thống sắp mãn nhiệm, vấn đề lớn nhất lúc này là tham vọng hạt nhân của Iran. Và tại Slovenia, Tổng thống Bush nói rằng, ông cũng như châu Âu đang “đứng cùng chung một trang”. Các “ông lớn” EU và Tổng thống Bush đã đồng lòng “đe nẹt” Iran với những cảnh báo, Tehran sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu tiếp tục không chấm dứt hoạt động làm giàu uranium.
Tổng thống Mỹ cho rằng, một nước Iran vũ trang hạt nhân sẽ là hiểm họa khôn lường đối với hòa bình thế giới. Ông Bush muốn lôi kéo sự ủng hộ của Anh, Pháp, Đức trong việc dùng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” đối với một Tehran bướng bỉnh và không biết khiếp sợ trong việc trừng phạt và ưu đãi nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong những chặng dừng chân thong thả ở Ljubljana, Berlin, Rome, Paris và London, ông Bush cố gắng thúc đẩy những vấn đề còn sót lại trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của mình. Ngoài câu chuyện hạt nhân của Iran, các vấn đề khác như: Afghanistan, giá dầu tăng cao, cuộc khủng hoảng lương thực, hòa bình Trung Đông, cuộc chiến thịt gà giữa châu Âu và Mỹ… cũng nằm trong chương trình nghị sự của ông Bush với các nhà lãnh đạo Đức, Italia, Pháp, Anh.
Tổng thống Bush (thứ ba, từ trái sang) trong chuyến thăm Slovenia. (Ảnh: Reuters) |
Song, các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm tạm biệt châu Âu của Tổng thống Bush chỉ mang tính hình thức bởi các nhà lãnh đạo của Tây Âu lúc này đang hướng đến người sắp nắm quyền ở Nhà Trắng hơn là vị Tổng thống đương nhiệm. Tây Âu mong muốn sự thay đổi trong chính sách của Mỹ trong tương lai để thu hẹp sự bất đồng và khoảng cách giữa họ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Năm 2003, cuộc chiến tranh Iraq nổ ra đã gây chia rẽ quan hệ giữa Mỹ và bên kia bờ Đại Tây Dương.
Đối với châu Âu, cuộc chiến này là một sai lầm lớn nhất trong suốt 2 nhiệm kỳ của ông Bush. Tuy thời gian đã làm cuộc chiến dần dần không còn là một vấn đề quá lớn và trở nên mờ nhạt trong cái nhìn của Tây Âu, nhưng họ vẫn mong muốn nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ có một chính sách khôn ngoan hơn để chấm dứt những gì gọi là sai lầm mang tính lịch sử này. Các lãnh đạo châu Âu cũng muốn người kế nhiệm ông Bush sẽ giải quyết những rối rắm scandal về nhà tù của Mỹ ở vịnh Guantanamo (Cuba), những điều mà chính quyền của Tổng thống Bush đã lúng túng trong suốt 2 nhiệm kỳ.
Tháng 1-2009, Tổng thống Bush mới rời nhiệm sở, nhưng ngay lúc này ông dường như bị cả người dân Mỹ và Quốc hội lãng quên. Cuộc thăm dò do Viện Gallup thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, ông Bush chỉ giành được sự ủng hộ của 28% cử tri, một tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với Tổng thống trong vòng 70 năm qua.
Điều này cũng dễ hiểu bởi cử tri Mỹ đang dõi theo cuộc đua “song mã” của 2 ứng viên đảng Cộng hòa John McCain và đảng Dân chủ Barack Obama với hy vọng những điều tốt đẹp sẽ được mở ra khi vị Tổng thống mới lên nắm quyền.
Còn châu Âu đang kỳ vọng sự “lên ngôi” của Obama bởi họ e ngại rằng, McCain là người vốn quen theo nếp cũ nên sẽ không có sự đột phá nào trong chính sách và chiến lược thúc đẩy quan hệ với châu Âu, vốn muốn được hưởng những lợi ích trong quan hệ kinh tế với Mỹ. Tuy nhiên, C. Boyden Gray - đại sứ Mỹ tại EU từng khuyến cáo châu Âu không nên ảo tưởng rằng quan điểm của Washington sẽ thay đổi “một cách thần kỳ” dưới thời vị Tổng thống kế nhiệm ông Bush.
PHÚC NGUYÊN