.

Cựu Thủ tướng Thaksin chuẩn bị đối mặt vụ kiện mới

.

Vào lúc 10 giờ sáng 28-7, Tòa án Tối cao Thái Lan đã đồng ý thụ lý vụ kiện mới chống lại cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cùng các cựu thành viên trong chính quyền trước đây của ông. Tòa án dự kiến mở phiên xét xử đầu tiên vào ngày 26-9.

Những người chống đối biểu tình trên đường phố Bangkok kêu gọi xét xử cựu Thủ tướng Thaksin.
Đơn kiện nội các của cựu Thủ tướng Thaksin do Ủy ban Kiểm tra tài sản (hiện đã giải tán) đưa lên. Theo đó, ông Thaksin và 46 cựu Bộ trưởng và các thành viên trong nội các của ông bị cáo buộc có hành động phi pháp khi ban hành nghị quyết ngày 8-7-2003 về việc thực thi chương trình xổ số trên mạng.

Trong số những người bị cáo buộc có 3 quan chức đương nhiệm, gồm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Surapong Suebwonglee, Bộ trưởng Lao động Uraiwan Thienthong và Thứ trưởng Bộ Giao thông Anurak Jureemas. Hiến pháp Thái quy định rằng, một bộ trưởng sẽ bị đình chỉ chức vụ nếu tòa án chấp nhận tiến hành một vụ kiện chống ông ta. Tuy nhiên, các quan chức trên lập luận rằng vụ việc trên xảy ra từ thời Chính phủ trước.

Năm 2006, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra bị lật đổ với cáo buộc tham nhũng. Hiện, cựu lãnh đạo này cùng các đồng minh đang đối mặt với các vụ xét xử về tội tham nhũng, lạm quyền. Gần hai năm sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự, đầu tháng này, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bắt đầu ra hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng.

Đây là vụ việc đầu tiên trong hàng loạt vụ kiện chống lại Thaksin cùng vợ và các trợ lý của ông. Trong vụ án đầu tiên được xét xử này, cụ thể, ông Thaksin bị buộc tội dùng ảnh hưởng chính trị của mình để giúp vợ, bà Pojaman, mua một mảnh đất ở Bangkok từ Ngân hàng Trung ương với giá bằng 1/3 giá thị trường. Nếu bị kết tội, hai vợ chồng Thaksin có thể lãnh án 13 năm tù.

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong số 24 vụ việc liên quan tới tham nhũng mà ông Thaksin bị Ủy ban Kiểm tra tài sản (AEC) tố cáo là có liên quan. Trong số trên, mới chỉ có 4 vụ được chuyển tới Văn phòng xử lý các vụ việc về chính khách của Tòa án tối cao, bao gồm: Thỏa thuận Ratchadaphisek, trong đó Thaksin và vợ Pojaman là bị đơn; Chương trình xổ số trên mạng, trong đó toàn bộ Nội các của Thaksin bị kiện vì lạm dụng chức quyền; một kế hoạch về cao su liên quan tới các thành viên chủ chốt trong Nội các Thaksin; và vụ việc liên quan tới việc Ngân hàng Xuất nhập khẩu cho Myanmar vay vốn.
 
Ngoài ra, còn có 7 vụ khác hiện đang nằm chờ tại văn phòng Tổng Chưởng lý nhưng có vẻ chúng sẽ không được tiếp tục xử lý hoặc triển khai rất chậm chạp. Đây cũng là lý do khiến nhiều người biểu tình tập trung trước trụ sở chính của lực lượng cảnh sát quốc gia và yêu cầu phải có hành động đối với vụ xét xử bị trì hoãn nhằm vào cựu Thủ tướng Thaksin trong thời gian qua.

Hiện nay, do Ủy ban Kiểm tra tài sản (AEC) đã giải thể, tất cả các vụ việc trên sẽ được chuyển cho Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia hoặc Văn phòng Tổng Chưởng lý. Hai cơ quan này có trách nhiệm thực thi nghĩa vụ để các tố cáo tham nhũng liên quan tới ông Thaksin được diễn ra suôn sẻ. Một khi tòa án ra phán quyết, nó sẽ dẫn tới các hệ quả chính trị. Đó là hành động định đoạt tương lai chính trị Thái Lan, mà ở thời điểm này vốn đang bị phân cực giữa một bên yêu và một bên ghét cựu Thủ tướng Thaksin.

GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.